(HNNN) - Từ một nhân sĩ trí thức giác ngộ đi theo cách mạng, trải qua trên 50 năm hoạt động liên tục, cụ Doãn Kế Thiện (1891 - 1965) được đánh giá là một nhà hoạt động xã hội xuất sắc. Cùng với đó, cụ còn đạt nhiều thành tựu to lớn về báo chí, văn chương, dịch thuật, nghiên cứu... Với nhiều bài viết, khảo cứu về Hà Nội, cụ được xem là nhà Hà Nội học đầu tiên.
Dấn thân vào các hoạt động xã hội
Trong một lần về thăm “làng nhà giáo” Phú Mỹ (xã Ngọc Mỹ, huyện Quốc Oai, Hà Nội), chúng tôi may mắn được gặp ông Doãn Hồi Ngọ, sinh năm 1942, là cháu đích tôn của cụ Doãn Kế Thiện. Ông Ngọ mở tủ lấy cho chúng tôi xem nhiều kỷ vật, nhiều tài liệu quý về cuộc đời hoạt động của cụ. Trong số đó, chúng tôi đặc biệt chú ý đến một bức ảnh cụ Doãn Kế Thiện chụp cùng Chủ tịch Hồ Chí Minh, ở phía trên có bút tích của Người đề tặng cụ vào ngày 3-3-1951: “Thân ái gửi Cụ Doãn Kế Thiện”, có chữ ký của Người và dấu mộc. Một số bức khác là ảnh cụ chụp chung với các nhân sĩ trí thức cùng đi theo cách mạng, với các vị trong Mặt trận Tổ quốc thành phố Hà Nội...
Cụ Doãn Kế Thiện ngay từ nhỏ đã được giáo dục theo truyền thống của một gia đình nhà Nho. Là người có tư chất thông minh, lại ham học, cụ đã vừa học chữ Hán vừa học chữ Pháp, rồi trở thành thầy giáo dạy ở trường tổng khi mới 20 tuổi. Tuy nhiên, cụ chỉ hành nghề “gõ đầu trẻ” gần 5 năm.
Chịu ảnh hưởng của phong trào Đông Kinh Nghĩa Thục khởi phát vào năm 1907 và phong trào thanh niên yêu nước, cụ đã nghỉ dạy học và ra nội thành Hà Nội viết báo, viết văn mang tư tưởng yêu nước. Còn rất trẻ nhưng với những phẩm chất tốt đẹp và tài năng, cụ đã được các “cao nhân” như Tản Đà Nguyễn Khắc Hiếu, Phạm Tuấn Tài và Trúc Khê Ngô Văn Triện... coi là bạn vong niên. Sang năm 1938, cụ tham gia phong trào truyền bá quốc ngữ theo sáng kiến của Đảng Cộng sản Đông Dương.
Trong những ngày đầu của cao trào Cách mạng Tháng Tám năm 1945, cụ làm cố vấn cho chính quyền cách mạng tỉnh Sơn Tây. Tháng 7-1947, cụ tham gia ban vận động thành lập Hội Liên Việt khu XI (Chiến khu Hà Nội) rồi được bầu làm Hội trưởng đầu tiên. Năm 1948, Liên khu III được thành lập, cụ được bầu làm Phó Hội trưởng Hội Liên Việt Liên khu.
Năm 1951, khi Mặt trận Việt Minh bắt tay hợp nhất với Hội Liên Việt để thành lập Mặt trận Liên Việt, cụ là thành viên chính thức của đoàn Hà Nội tham dự Hội nghị thống nhất Mặt trận tại Chiến khu Việt Bắc, được gặp và chụp ảnh lưu niệm với Chủ tịch Hồ Chí Minh, được bầu vào Ban Chấp hành Trung ương Mặt trận Liên Việt. Năm 1955, Mặt trận Liên Việt đổi thành Mặt trận Tổ quốc (MTTQ), cụ được bầu làm Ủy viên Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam. Sau đó, về Hà Nội, cụ được bầu làm Chủ tịch MTTQ Việt Nam thành phố Hà Nội và giữ cương vị đó 3 khóa liên tục.
Cụ Doãn Kế Thiện trong Ban chấp hành Trung ương MTTQ Việt Nam.
Cụ Doãn Kế Thiện được biết tới là người sống rất liêm khiết, có nguyên tắc và ngay thẳng. Ngay khi cụ tham gia Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, cụ từng được Chủ tịch Hồ Chí Minh gợi ý rằng, để tiện cho việc công tác, Chính phủ sẽ cấp cho cụ một ngôi nhà bên hồ Tây nhưng cụ đã cảm ơn và xin không nhận. Cụ tiếp tục ở tầng 2 một khu nhà tập thể, có công trình khép kín, nơi làm việc có vách ngăn cách với chỗ ở. Trong giờ làm việc, cụ rất nghiêm túc, kể cả người nhà dù có việc cần thì cũng phải gõ cửa xin phép trước rồi mới có thể được vào gặp. Tuy nhiên, trong đời thường thì cụ lại sống rất thoải mái, rất quý con, quý cháu. Cụ nói rằng đó cũng là một cách để thư giãn, lấy thêm năng lượng sống và làm việc.
Năm 1964, cụ Doãn Kế Thiện được nghỉ hưu. Chính phủ cử người về làng Phú Mỹ xây dựng cho gia đình cụ một ngôi nhà cấp 4, diện tích chỉ hơn 20m2. Cụ đã đề xuất được trừ dần vào tiền lương của mình số tiền mà Chính phủ đã ứng trước để làm nhà (2 năm sau, tức là năm 1966, 1 năm sau khi cụ mất, số tiền này mới được trừ hết, có sự đóng góp của con cháu).
Nhà Hà Nội học đầu tiên
Ông Doãn Hồi Ngọ tâm sự rằng, cho đến bây giờ, con cháu cũng như nhiều người quen cụ Thiện vẫn không thể biết rằng, với một “núi” công việc hằng ngày như vậy, cụ làm thế nào để dành được thời gian viết báo, viết văn. Vừa kể vừa đưa ra minh chứng, ông Ngọ cho biết, cụ Doãn Kế Thiện là cộng tác viên thường xuyên của rất nhiều báo và tạp chí như Nam Phong tạp chí, Thực Nghiệp dân báo, Khai Hóa, Mới, Tiểu Thuyết Thứ Bảy, Trung Bắc tân văn, Trung Bắc chủ nhật, Tri Tân tạp chí... Cụ cũng dùng khá nhiều bút danh như: Sở Bảo, Sơn Vân, Long Thành, Tú Sơn, Bất Ác...
Mặc dù cụ viết về nhiều đề tài nhưng chủ yếu là viết về Hà Nội. Lúc đó, cụ là một trong những người viết nhiều nhất về Hà Nội, đi sâu vào nội dung truyền thống lịch sử, văn hóa Hà Nội, qua đó giúp bạn đọc thấy được bề dày ngàn năm văn hiến của Thủ đô. Không chỉ viết cho các báo ở Hà Nội, cụ còn gửi đăng báo ở nhiều địa phương khác. Các bài viết về Hà Nội của cụ trở thành “đặc sản” trên các tờ Công Luận, Trung Lập ở Sài Gòn trong nhiều năm. Cụ đảm nhiệm chuyên mục viết về Hà Nội trên báo Trung Bắc chủ nhật liên tục từ năm 1941 đến năm 1945...
Cụ Thiện chụp ảnh với con cháu.
Năm 1943 là dấu mốc quan trọng trong nghề báo của cụ với việc xuất bản cuốn sách Hà Nội cũ (NXB Đời Mới). Cuốn sách có 20 mục. Qua đây, nhiều bạn đọc lần đầu tiên được biết những chuyện lý thú mà trước đó chưa có ai lý giải như: Do đâu mà trai ở Ngõ Trạm lại ngỗ ngược, gái ở ngõ Tạm Thương lại dữ dằn; tại sao Quảng trường Đông Kinh Nghĩa Thục xưa kia là bãi pháp trường... Cuốn sách đã được tái bản nhiều lần, đến nay đọc vẫn thấy rất thú vị.
Riêng với Báo Thủ đô Hà Nội (tiền thân của Báo Hànộimới), từ năm 1955, cụ Thiện đã viết đều đặn cho chuyên mục Cổ tích và thắng cảnh Hà Nội với bút danh duy nhất là Sơn Vân. Đáng chú ý, đây không chỉ là những bài báo thông thường, nhiều bài là kết quả của việc dày công khảo cứu, sưu tầm. Chẳng hạn, ở bài đầu tiên ra mắt chuyên mục này, cụ là người đầu tiên công bố bài thơ Long Thành quang phục kỷ thực của Ngô Ngọc Du (? - ?, thời Tây Sơn, 1778 - 1802) do cụ sưu tầm được. Đó là bài thơ duy nhất ghi lại giờ phút quân Tây Sơn giải phóng thành Thăng Long vào năm Kỷ Dậu (1789).
Đến năm 1959, cụ Thiện tập hợp các bài đã in trên báo, bổ sung tư liệu đã sưu tập được, in thành cuốn sách Cổ tích và thắng cảnh Hà Nội (NXB Văn hóa), tập trung mô tả từ kinh đô Thăng Long xưa đến Hà Nội nay. Theo đánh giá của nhà nghiên cứu Vũ Tuân Sán (1915 - 2017), Cổ tích và thắng cảnh Hà Nội chiếm một vị trí đáng tự hào trong kho tàng Hà Nội học vì là viên gạch đầu tiên đặt nền móng cho ngành Hà Nội học hiện đại, là công cụ nghiên cứu hữu dụng về Hà Nội từ xưa đến nay. Không chỉ giới thiệu di tích, danh thắng, sự kiện, nhân vật lịch sử..., cụ còn có nhiều kiến giải dựa trên cơ sở khoa học, là gợi ý cho các nhà nghiên cứu tiếp tục đi sâu tìm hiểu.
Chuyên tâm viết về Hà Nội và dành nhiều tâm huyết cho chuyên mục viết về Hà Nội trên Báo Thủ đô Hà Nội, nhà báo, nhà văn, nhà Hà Nội học Doãn Kế Thiện đã cho thấy tinh thần làm việc hăng say, bền bỉ, nghiêm túc, sức học uyên thâm, bút lực dồi dào. Cuộc đời và tác phẩm của cụ thể hiện tình yêu sâu nặng đối với Hà Nội nghìn năm văn hiến; đã, đang và sẽ tiếp tục cổ vũ bạn đọc hăng hái chung tay góp sức xây dựng Thủ đô ngày càng văn minh, giàu đẹp./.