background

KẺ NƯA - NÔNG CỐNG - THANH HÓA - ĐẤT PHÁT TÍCH CỦA DÒNG HỌ DOÃN TRONG LỊCH SỬ DÂN TỘC

Đăng vào thứ 5 ngày 01 tháng 02 năm 2024

Chạ Kẻ Nưa, giáp Cá Na, rồi hương Cổ Na (nay là Cổ Định thuộc huyện Triệu Sơn, tỉnh Thanh Hóa) vốn là một vùng đất tối cổ. Các tên gọi Chạ, Giáp, Hương nói trên khẳng định sự tụ cư và hình thành rất sớm các cộng đồng cư dân trong lịch sử dựng và giữ nước trên vùng đất cổ này, gợi ý niệm về các đời vua Hùng xa xưa.
Địa thế Cổ Định có nhiều nét đặc sắc để được chọn làm địa bàn sinh tụ sớm của con người. Núi Nưa là dãy núi cuối cùng phía Đông của một mạch núi kéo dài từ Tây Hiếu (Nghệ An) qua Như Xuân (Thanh Hóa) đổ về. Với độ cao gần 500 mét, đây là một trong những núi cao nhất rải rác quanh đồng bằng Thanh Hóa. Đây chính là bức thành đông nam của một thung lũng rộng lớn chạy suốt từ xã Hợp Thành, Hợp Lý đến Thọ Tiến, Thọ Tân của huyện Triệu Sơn. Thung lũng này được khép lại ở mạn Đông Bắc bằng những dãy đồi đất đỏ, thấp và tròn như những quả trứng khổng lồ nên có tên là Cửu Noãn Sào (ổ chín trứng rồng), nói lên mong muốn của người xưa có cháu con đời đời sinh sôi nảy nở, tiếp nối truyền thống.
 
Ôm vòng dưới chân phía Đông núi Nưa và len lỏi giữa các đồi bát út, rồi đổ về phía Đông Nam là dòng Lẫn giang (sông Lười), nước chảy lững lờ, chậm chạp nên mới có tên đó, lòng sông hẹp nhưng sâu thẳm, hai bờ dốc thẳng đứng.
Thung lũng núi Nưa nằm trên vành đai bao quanh đồng bằng châu thổ từ phía Bắc qua Tây, đến tận cực Nam Thanh Hóa, phía Đông núi Nưa là đồng bằng châu thổ, đất đai màu mỡ, từ rất sớm đã là những tụ điểm dân cư đông đúc. Ngược về phía Tây Nam núi Nưa là một vùng rừng núi rộng lớn và càng vào sâu càng hiểm trở.
Kết hợp các điều kiện tự nhiên trên, các truyền thuyết lưu truyền từ xa xưa trong vùng như truyền thuyết Tu Nưa gánh núi dọn đồng cũng như dấu vết tín ngưỡng cổ thờ Vỏ trấu ở Nghè Giáp, kể cả sự tồn tại dai dẳng một số thổ ngữ ngày nay chỉ bắt gặp ở một vài cư dân miền núi, càng khẳng định thêm tính tối cổ của địa phương này. Trong khi đó thì các cuộc khai quật khảo cổ học trong vùng đã phát hiện được nay tại núi Nưa và trên tả ngạn sông Mã các rìu đá có vai khuyên đeo tại rừng đá đen trắng, gương soi bằng đá mài bóng, cho phép khẳng định Kẻ Nưa (tức Cổ Định ngày nay) xuất hiện từ thuở vua Hùng, đứng về mặt khoa học là có cơ sở.
Kẻ Nưa với núi cao sông sâu, đồng ruộng phì nhiêu, rừng thẳm kéo dài đá bồi đủ các đặc điểm cần có của một "địa linh, nhân kiệt "và vùng đất đó chính là nơi phát tích của dòng họ Doãn nổi tiếng.
 
Có thể khẳng định họ Doãn là một vọng tộc lâu đời ở Kẻ Nưa. Theo truyền thuyết lưu hành ở địa phương thì trong số mười vị đứng ra khai phá đầu tiên để dựng nên Chạ Kẻ Nưa có một vị người họ Doãn. "Thập vị tiên công "đó đã được ghi vào bài văn tế thánh ở Nghè Giáp, cũng qua lời bài văn tế ngắn gọn đó đã khẳng định mười vị đứng ra khai phá đầu tiên đã chọn đúng một vùng đất không chỉ để giữ chân buổi đầu, mà còn có khả năng phát triển lâu dài về sau:
 
"Sơ canh khai phá
Thập vị tiên công
Lê, Hứa, Nguyễn, Hoàng,
Doãn, Phan, Ngô, Trịnh,...
Viễn sơn nhì định
Cận thủy tất thành
Thế thế quãng canh
Niên niên đại chúng... "
 
Như vậy, là họ Doãn cũng như mọi tộc họ Việt Nam khác đều bắt đầu bằng lao động sản xuất nông nghiệp. Nhưng cũng là một đặc điểm của xã hội Việt Nam xưa, đó là dù xuất thân từ tầng lớp nào, nhưng nếu có chí vẫn có thể học hành thành đạt, tiến thân theo con đường khoa cử và đóng góp vào việc phát triển văn hóa dân tộc. Họ Doãn là một dẫn chứng cho đặc điểm đó. Nhờ vậy họ Doãn không chỉ góp phần khai phá và phát triển vùng đất quê hương trở thành một trung tâm quan trọng về kinh tế, mà còn cả về văn hóa xã hội trong xứ Thanh (thuộc đất Cửu Chân xưa). Con cháu họ Doãn còn tỏa đi sinh cơ lập nghiệp ở nhiều địa phương trong cả nước, lập ra nhiều chi và tại nơi nào họ cũng đã đóng góp hết sức mình cho sự lớn mạnh và quang vinh của địa phương đó, xuyên suốt chiều dài của lịch sử đấu tranh dựng nước và giữ nước oai hùng của dân tộc.
 
Theo cách suy nghĩ về tín ngưỡng của người xưa thì nhờ ngôi mộ Tổ họ Doãn đặt vào nơi đất phát nên con cháu về sau học hành thành đạt, có nhiều người làm quan to, có sự nghiệp lớn được sử sách lưu danh. Nhưng đối với chúng ta ngày nay thì có được các thành tựu đó là do cần cù siêng năng, kết hợp với ý chí ham học hỏi, cầu tiến bộ.
 
Hợp phả họ Doãn đã ghi rõ từ đời Lý (thế kỷ 12) đã có cụ Doãn Anh Khái năm Canh Tuấn (1130) Thiên Thuận thứ 3 đời Lý Thần Tông (1128 - 1138), rồi cụ Doãn Tử Tư năm Giáp Thân (1164), Chính Long Báo Ứng thứ hai đời Lý Anh Tông (1138 - 1175) được cử đi sứ sang triều Tống (Trung Quốc). Đến đời Trần, họ Doãn có cụ Doãn Băng Hài đỗ Thái học sinh (Tiến sĩ), làm quan lên chức Thượng thư bộ Hình, đặc phong Thiếu Bảo được cử làm Chánh sứ sang triều Nguyễn năm Nhâm Tuất (1322), sau khi hoàn thành nhiệm vụ về nước được phong Thiếu phó, tước Hương Đình hầu. Tiếp đó, có cụ Doãn  n Phủ năm 1317 được vua Trần Minh Tông cử đi sứ Trung Quốc. Đến đời Lê, cụ Doãn Hoằng Tuấn đỗ Tiến sĩ năm Mậu Tuất (1478) dưới Triều Lê Thánh Tông, làm quan tới chức Thượng thư bộ Lễ, được cử đi sứ nhà Minh (1480) đến cụ Doãn Mậu Khôi, đỗ Tiến sĩ khoa Nhâm Tuất (1502), làm quan đến chức Thượng thư kiêm chưởng Hàn lâm viện, năm 1507 được cử đi sứ nhà Minh, khi về được vua ban tặng hàm Thái bảo, tước Hương giang công.
 
Sơ bộ điểm qua như vậy, chúng ta có thể rút ra một nhận định đó là: Hoạt động ngoại giao của họ Doãn được chi gốc Cổ Định khởi đầu đã được các chi sau tiếp nối một cách xứng đáng tạo thành một truyền thống tốt đẹp của dòng họ.
Truyền thống tốt đẹp đó của Doãn tộc bắt nguồn và phát triển trên cơ sở một truyền thống văn hóa lâu đời và bền vững. Lần dở các trang "Hợp phả họ Doãn ", chúng ta rất dễ nhận thấy việc học tập đỗ đạt của họ Doãn đã được khởi phát từ rất sớm, không nói tới các thời xa xưa mà sử sách chưa ghi chép nên nay không truy tìm được, chỉ tính từ đời Lý (thế kỷ 12) đến nay không thời nào là không có người học giỏi, đỗ đạt cao, việc học hầu như đã trở thành một nghiệp nhà. Và trong xã hội cũ, đi học, thi đỗ, rồi ra làm quan mang khả năng ra giúp vua, giúp nước và trong khái niệm vua nước đã bao hàm nhân dân là con đường mà mọi người có chí khí, có lý tưởng đều muốn noi theo. Con cháu dòng họ Doãn trải qua các thời kỳ lịch sử đã thực hiện được điều đó. Mở đầu cho bảng "Lúy thế đăng khoa "của Doãn tộc là cụ Doãn Băng Hài đỗ Thái học sinh thời Trần, khoa Giáp Thìn (1304), tiếp theo là các cụ Doãn Hoàng Tuấn đỗ Tiến sỹ năm Mậu Tuất (1478) làm quan tới chức Thượng thư bộ Lễ, cụ Doãn Mậu Khôi, đỗ Tiến sĩ năm Nhâm Tuất 91502) làm quan tới chức Thượng thư kiêm chưởng Hàn lâm viện, cụ Doãn Đình Đống đỗ Tiến sĩ khoa Tân Mùi (1571), cụ Doãn Văn Hiệu, đỗ Tiến sĩ khoa Tân Sửu (1541), cụ Doãn Mậu Đàm đỗ Tiến sĩ khoa Bính Tuất (1586), cụ Doãn Tuấn đỗ Tiến sĩ khoa Bính Dần (1626), cụ Doãn Khuê đỗ Tiến sĩ khoa Mậu Tuất 91838). Tiếp nối truyền thống nho học đó, còn biết bao vị trong Doãn tộc trúng "Tam trường "dưới các triều Lý, Trần, Lê, đậu Hương cống (đời Lê), cử nhân (thời Nguyễn), hay là Giám sinh, sinh đồ, tú tài... đời đời nối tiếp, danh sách nối dài, tạo thành một truyền thống tốt đẹp đến tận ngày nay vẫn được duy trì và phát triển trong hoàn cảnh mới của lịch sử.
 
Một điều rất đáng chú ý là những người con ưu tú của Doãn tộc sau khi đỗ đạt, rồi đi vào hoạn lộ, ngoài một số người có những hoạt động ngoại giao xuất sắc như đã giới thiệu ở trên, còn có những người giữ những chức vụ đời xưa rất được triều đình và nhân dân quý trọng và đòi hỏi chủ yếu là phải có đạo cao đức lớn, phải có khí tiết, cương trực. Đó là các chức Ngự sử có nhiệm vụ giám sát, đàm đạo mọi người trong triều, kể từ Vua đến các quan đầu triều, như cụ Doãn Định (1312 - 1363) làm Giám sát Ngự sử dưới triều Trần Dụ Tông, dám can ngăn vua, vạch lỗi lầm của Thái thượng hoàng; hay chức quan tư pháp chuyên việc xét xử án từ cho nhân dân như cụ Doãn Băng Hài làm Thượng thư bộ Hình, cụ Doãn Đình Đống giữ chức Hiến sát sứ cũng kinh qua chức Giám sát Ngự sử.
Về giáo dục thì Doãn tộc có một nhà giáo yêu nước thương dân tiêu biểu là Doãn Khuê, từng giữ chức Đốc học các tỉnh Nam Định, Sơn Tây, có thời kỳ làm Doanh điền sứ kiêm thương biện Hải Phòng, tuy bận trăm công ngàn việc lớn khác vẫn không quên gốc nhà nên đã có công lớn trong việc khai hoang tiến triển tạo nên vùng đất rộng ở xã Nghĩa Thành (Nghĩa Hưng, Hà Nam).
 
Một truyền thống tốt đẹp khác đã được con cháu họ Doãn tiếp nối một cách rực rỡ qua hai cuộc kháng chiến oai hùng chống Pháp và chống Mỹ của dân tộc ta là truyền thống quân sự. Truyền thống tốt đẹp này cũng bắt nguồn từ rất sớm với cụ Doãn Nỗ đã căm thù giặc Minh xâm lược, hăng hái theo nghĩa quân Lam Sơn của Lê Lợi đánh giặc có công lớn nên được ban quốc tính (Lê Nỗ), phong Trụ quốc thượng tướng quân, tước quang phục trần. Tiếp theo sau là cụ Doãn Đăng Thức có công dẹp giặc được triều Lê Cảnh Hưng phong uy vũ tướng quân; cụ Doãn Văn Hiệu làm quan và tới chức Tổng binh, tước Đằng Khê bá dời Lê; cụ Doãn Hy giữ chức Tả Thị lang bộ Binh; cụ Doãn Uẩn giữ chức quyền Binh bộ thượng thư, có công giữ yên bờ cõi phía Tây nam, được triều Nguyễn phong An Tây mưu lược tướng quân,... Các vị trung tướng Doãn Tuế, thiếu tướng Doãn Sửu và đông đảo các sĩ quan của quân đội nhân dân Việt Nam anh hùng thuộc họ Doãn trong hai cuộc kháng chiến oai hùng chống Pháp và chống Mỹ vừa qua của dân tộc ta đã kế thừa xuất sắc truyền thống yêu nước chống xâm lược của dân tộc.
Không phải nói thì mọi người đều biết rằng các truyền thống tốt đẹp đó của Doãn tộc càng có điều kiện thuận lợi hơn để phát triển một cách toàn diện và mạnh mẽ trong thời kỳ hiện đại. Nhưng cũng rõ ràng là mọi điều kiện khách quan dù cho thuận lợi đến đâu cũng không thể phát huy được tình trạng nếu thiếu một điều kiện chủ quan vô cùng cơ bản đó là sự thống nhất về ý chí của toàn Doãn tộc trong việc quyết tâm "lấy Nhân làm gốc, lấy Nghĩa làm nền, tu chí giữ danh giá dòng họ và luôn luôn làm điều thiện ".
 
Đó không phải chỉ là bài học tổng kết riêng trong dòng họ Doãn mà cũng là bài học tổng kết chung cho mọi người, mọi gia tộc và bài học giá trị đó hơn bao giờ hết càng cần được tiếp thu và vận dụng một cách có hiệu quả vào thời kỳ hiện nay, khi dưới sự lãnh đạo của Đảng và Chính phủ, thực hiện tư tưởng Hồ Chí Minh, toàn thể nhân dân ta trong đó có đông đảo con cháu họ Doãn đang hăng hái phấn đấu cho dân giàu nước mạnh, xã hội công bằng và văn minh theo định hướng xã hội chủ nghĩa.
 
Ghi chú: GS Sử học Đinh Xuân Lâm, một trong tứ trụ của ngôi nhà lịch sử Việt Nam tham luận về nguồn gốc họ Doãn Việt Nam tại UBND xã Tân Ninh, huyện Triệu Sơn, Thanh Hóa (20 năm trước). Từ phải qua trái: Thiếu tướng Doãn Sửu, cụ Doãn Ngọc Ánh, GS. Đinh Xuân Lâm.
Tháng 11 năm 1995
GS. Đinh Xuân Lâm

Bình luận

Để lại bình luận

Copyright © 2025 BY ME | All Rights Reserved