Nhất tín vạn gia tử tôn thẩm chúng - Đức tài thịnh,
Thập phương thiên lý Tiên Tổ kinh luân - Công tích phồn1)
Thế đấy, họ Doãn ta hai ngàn năm phát triển, từ cụ Triệu Tổ khai phá đất Kẻ Nưa đến nay, con cháu kể vạn vạn người, sinh sống trên khắp các miền đất nước. Hai ngàn năm, đặc biệt là ngàn năm lại đây, thế thế kế tiếp, ông cha ta đã làm rạng danh dòng tộc, đóng góp cho nền độc lập và sự thịnh vượng của quốc gia. Hôm nay
Tiến viện quần tôn mà tinh thần hoán phát
Thăng đường ngưỡng tổ mà thấy phúc đức uông dương )
Tràn đầy niềm vui, tràn đầy hạnh phúc, hướng lên kính ngưỡng các bậc sinh thành dưỡng dục, mỗi chúng ta không ai không thấy dâng trào một niềm tự hào, không ai không thấy vinh hạnh là người con họ Doãn.
Ông cha ta có bao người khoa bảng thành danh; bao người là công thần, danh tướng, thượng thư, tổng đốc, …; bao người được thụ tước công, hầu, bá, tử, nam; bao người đã phải dùng ba tấc lưỡi đấu tranh với ngoại bang hùng mạnh để mang lại và để gìn giữ nền độc lập cho Tổ quốc. Trong ba cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ, chống Tàu gần đây đã có biết bao nhiêu người con họ Doãn hy sinh, bao nhiêu chiến binh đã trở thành tướng tá tài ba. Từng mỗi gia đình, mỗi thành viên của họ Doãn đã hy sinh vật lực, trí lực, tiền của, công sức và cả máu xương cho Tổ quốc. Trong các lĩnh vực khoa học, kinh tế, văn chương, nghệ thuật… đời nào cũng có những nhân tài họ Doãn tham gia đóng góp cho đất nước, nhiều người xuất chúng được Tổ quốc ghi nhận và để lại tiếng thơm cho đời.
Hai ngàn năm dài lắm, công tích của các bậc tiền nhân họ Doãn không sao kể xiết. Hôm nay trước bàn thờ Triệu Tổ chúng ta nhắc sơ lại để con cháu thêm tự hào và có ý thức tìm hiểu lịch sử của dòng họ, tìm ngọn nguồn chi tộc, ngẫm suy những điều răn dạy của tổ tiên để tu chỉnh mình và để hướng dẫn cho thế hệ mai sau.
May mắn cho dân tộc ta và riêng cho dòng họ ta, hơn thập niên cuối cùng của thiên niên kỷ trước, đất nước hoàn toàn được hòa bình, phát triển mọi mặt, đi lên từ đống tro tàn của chiến tranh, từ những vết thương còn rỉ máu, từ nghèo đói xác xơ mà có hơn gì không, so với thời đồ đá, như kẻ thù mong ước. Thời gian đó, Ban Liên lạc họ Doãn Liên chi Hà Nội ra đời, hoạt động mạnh mẽ, nhanh chóng hoàn thành sứ mệnh và giải tán.
Công tích lớn lao nhất của BLLHD Liên chi Hà Nội là đã tụ hội được dòng họ từ Bắc đến Nam, tìm được cội nguồn và hoàn thành Hợp phả đầu tiên của cả nước. Đồng thời xây cất được nơi thờ tự, tìm và xây được mộ Tổ cả ở An Duyên và Cổ Định. Khắc phục cái mất mát, cả dòng họ có nơi chốn đi về dù cho còn rất tuềnh toàng, đơn sơ. Một thành tựu lớn phải nhắc đến là sau khi ra đời cuốn Hợp phả họ Doãn 1992, giới Sử học cả nước biết đến dòng họ ta và thừa nhận đó là một dòng họ Văn hiến, cùng với Hội thảo khoa học Toàn quốc ở Văn Miếu - Quốc Tử Giám Hà Nội về Danh tướng Doãn Nỗ và họ Doãn trong lịch sử làm cho cả nước và cả mỗi người con trong họ biết về đóng góp cho đất nước của họ Doãn. Cả dòng họ xin ghi nhận công lao to lớn của Ban Liên lạc họ Doãn Liên chi Hà Nội.
Hai mươi năm qua là 20 năm của Ban Liên lạc họ Doãn Việt Nam, mặc dù Hội đồng họ Doãn Việt Nam đã ra đời năm 2018 và thay thế sứ mạng của BLLHDVN, nhưng nhiệm vụ chính của Hội đồng thuộc về những năm tới, còn vài năm qua có thể xem là HĐHDVN hoàn thành những công việc dang dở của BLL họ Doãn VN để lại.
Chúng ta cùng nhau điểm lại thành tựu 20 năm đầu thiên niên kỷ thứ ba này.
Nếu như BLL họ Doãn Liên chi Hà Nội là nơi tập hợp bà con họ Doãn, chủ yếu nhằm mục đích tìm hiểu cội nguồn, giao lưu tình cảm, thì BLL họ Doãn Việt Nam có chức năng khác. Đối với BLLHD LC Hà Nội, cuộc họp đầu Xuân có ý nghĩa quan trọng, vì khi đó chúng ta chưa có nhà thờ chung, chưa rõ ngày giỗ Tổ, mà hầu hết bà con ở Hà Nội là người xa quê gốc, việc đi lại thời ấy còn rất khó khăn, nên tập trung lại giao lưu là cần thiết, nhưng trong các cuộc họp xuân ấy chưa có thể đề ra những mục tiêu lớn lao được.
Sang thế kỷ mới tình hình khác nhiều. BLL họ Doãn VN đã thành một tổ chức chặt chẽ hơn, có chương trình hoạt động to lớn và cụ thể hơn. Hàng năm vào xuân các chi họ cử người về họp mặt đầu xuân và bàn việc họ cho cả năm tới. Vào các năm 2016, 2017 BLLHDVN tổ chức họp mặt đầu xuân tại các chi xa trung tâm Hà Nội như Song Lãng, Phú Mỹ. Các cuộc họp mặt đó khá thành công, bà con họ tộc xa gần về hội tụ về một chi xa xôi làm xích lại quan hệ dòng tộc. Những năm lại đây do các nơi thường tổ chức tế tổ, giỗ tổ trong vòng vài tháng đầu năm và do nhiều nguyên nhân khác như dịch bệnh, như có đại lễ ở An Duyên, Cổ định vào tháng Ba mà việc họp mặt mừng xuân không duy trì được. Không có họp xuân bàn định kế hoạch trong năm làm cho BLL trở thành cơ quan duy nhất đề xuất và thực thi các chương trình hành động hàng năm. Tuy nhiên việc tập trung công việc vào BLL, làm cho BLL phải quyết đoán phải tập trung hoàn thành trách nhiệm trước dòng họ, điều đó cũng có phần thuận lợi cho họ ta đạt được nhiều thành tựu đáng kể.
Hai mươi năm 2000-2020, việc thu tộc vẫn được đẩy mạnh, các chi họ Nguyễn Doãn ở So (Quốc Oai), chi họ Phạm Doãn ở Thái Bạt (Ba Vì), chi họ Đinh ở Vân Đài (Thái Bình), chi họ Doãn ở Quảng Bình, chi họ Ma Doãn ở Chiêm Hóa (Tuyên Quang), bà con họ Doãn ở Gia Lai, Đắc Lắc, Đắc Nông, Đồng Nai, Cà Mau… đã tìm về cội nguồn tham gia sinh hoạt cùng cộng đồng họ Doãn làm cho dòng họ tụ hội ngày một đông vui.
Thành tựu nổi bật của 20 năm qua là việc hoàn thành đại công trình nhà thờ và lăng mộ tổ ở Cổ Định và An Duyên. Những năm cuối thế kỷ XX sang đầu thế kỷ XXI chúng ta đã xây dựng được nơi thờ cúng và mộ Tổ cả ở Cổ Định và An Duyên. Nhưng lập tức nhận ra rằng các công trình đó không xứng tầm của cả một dòng họ và buộc chúng ta phải xây dựng lại. BLL đã khổ công nghiên cứu đề xuất nhiều kế hoạch và nhiều phương án, trước rất nhiều thiếu thốn về tài chính và nhân, vật lực. Cuối thập niên trước chúng ta cải tạo và nâng cấp nhà thờ Tổ ở An Duyên, xây lại mộ Tổ và hai mộ hai cụ Tiến sĩ và đã hoàn thành vào đầu năm 2011, bước vào việc lập hồ sơ di tích cấp Tỉnh và Thành phố cho khu di tích An Duyên. Việc đó thúc bách việc xây dựng và lập hồ sơ cho khu di tích Cổ Định. Trong những năm 2010-2013 chúng ta đã nghiên cứu lập các phương án và đi đến xây dựng, trước hết là lăng mộ Tổ. Phương án xây mộ Tổ được thông qua cuối hè 2011, ngay lập tức khởi công giữa những ngày mưa lũ cuối vụ - mùa thu năm đó. Từ việc cải tạo mặt bằng khu đất rộng 2/3ha, bồi đắp khu vực xây lăng mộ, tiến hành xây dựng dòng dã 4 tháng, kịp hoàn thành trước giỗ Tổ tháng Ba Nhâm Thìn (2012). Ngày khánh thành lăng mộ Tổ Cổ định là ngày hội lớn chưa từng có của dòng họ tới lúc ấy. Xây mộ xong lập tức nghĩ đến xây nhà thờ. Nhiều cuộc họp BLL mở rộng, các phương án được tranh cãi nảy lửa, cuối cùng phương án nhà thờ chữ nhị phỏng cổ (hậu 3 gian, tiền 5 gian, lợp ngói ta) được duyệt. May mắn là dòng họ mua thêm được 100m2 đất, đủ xây tòa hậu cung. Cuối năm 2014 khởi công và giỗ Tổ (19 tháng Ba năm Ất Mùi 2015) khánh thành hậu cung. Nhà tiền tế được khởi công với phương án nhà gỗ (không làm bê tông giả gỗ) vào cuối năm 2016 và hoàn thành ngày giỗ Tổ (19 tháng Ba năm Đinh Dậu 2017). Tổng giá trị công trình lăng mộ và nhà thờ Tổ tính đến 2017 là 4,7 tỷ đồng. Sau khi xây xong nhà tiền tế, còn xây dựng lại nhà ngang, sửa sân xây cổng và nhiều việc nhỏ khác, hoàn thiện khu nhà thờ đồng thời với việc lập hồ sơ di tích và đến ngày giỗ Tổ năm nay (19 tháng Ba năm Tân Sửu 2021) mọi việc chu toàn.
Trong 20 năm qua, một thành tựu đáng kể là dòng họ đã tổ chức và tham gia tổ chức 3 cuộc hội thảo lớn. Hai cuộc hội thảo do Hội KHLS VN, Hội KHLS An Giang, Trung tâm UNESCO Thông tin tư liệu LSVH VN, Trung tâm VH Văn Miếu QTG HN cùng BLLHDVN tổ chức vào năm 2008 và 2011 tại Văn miếu Quốc tử giám Hà Nội về cụ Doãn Khuê (195 năm sinh, 130 năm mất) và ở thành phố Châu Đốc (An Giang) về cụ Doãn Uẩn, đã giúp các nhà khoa học, nhân dân các địa phương và dòng họ hiểu biết về công lao của hai cụ. Hội thảo năm 2011 kỷ niệm 100 hợp biên gia phả tại Đình Cao đã thúc đẩy công tác phả lên một bước mới hoàn toàn. Trải 10 năm sau Hội thảo Đình Cao với bao công sức thu thập, biên tập, nay Hợp phả Họ Doãn Việt Nam đã in xong và được thượng lên bàn thờ kính Đức Tổ.
Một công việc thành công khá lớn trong những năm qua là công tác lập hồ sơ di tích. Rất nhiều di tích của dòng họ được công nhận xếp hạng ở cấp Quốc gia (Nhà thờ và Lăng mộ Thượng tướng quân Doãn Nỗ; Nhà thờ và mộ TS Doãn Khuê ở quê nhà, Đền thờ TS Doãn Khuê ở xã Nghĩa Thành, Nam Định) và cấp Tỉnh, thành phố (Nhà thờ Hoành Lộ, Nhà thờ Hoành Nhị, Nhà thờ Cự Phú, Nhà thờ chi họ Phạm Doãn ở Thái Bạt, Nhà thờ Song Lãng - phối thờ Tướng quân Doãn Uẩn, Nhà thờ thuộc chi họ Ma Doãn… và đặc biệt là hai nhà thờ Tổ An Duyên và Cổ Định). Cùng với việc công nhận di tích vinh danh họ Doãn, nhiều thành phố đã đặt tên đường, trường học mang tên danh nhân họ Doãn (Tp Hà Nội có đường Doãn Kế Thiện; Tp Hưng yên và Tp Thanh Hóa có đường Doãn Nỗ; Tp Thái Bình có đường Doãn Khuê, Doãn Uẩn; Nam Định có đường Doãn Khuê và có Trường THCS Doãn Khuê; Tp Đà Nẵng có đường Lê Nỗ, Doãn Khuê, Doãn Uẩn, Doãn Kế Thiện; Tp Châu Đốc có đường Doãn Uẩn).
Công tác mừng thọ và khuyến học là công việc được đề xuất hơn 10 năm nay và đã đạt được thành công đáng kể. Các cụ ở tuổi hồng thọ, thêm lời động viên của dòng tộc cũng khỏe khoắn hơn một chút, các cháu bước vào bậc đại học được dòng tộc quan tâm càng thêm phấn khởi trau dồi kiến thức. Công tác thanh niên cũng khá sôi nổi, tạo điều kiện cho giới trẻ giao lưu vừa hội tụ họ hàng vừa có cơ hội giúp đỡ nhau.
Công tác xuất bản của họ ta tuy chưa thật hài lòng nhưng cũng là một thành tựu lớn mà ít dòng họ có được. Tiếp theo các cuốn phả 1984, 1992; cuốn kỷ yếu về Hội thảo tại Văn Miếu về cụ Doãn Nỗ và họ Doãn VN trong lịch sử và các cuốn tài liệu Họp mặt mừng xuân, hoặc nhân ngày giỗ Tổ; các cuốn Kỷ yếu Hội nghị Đình Cao; Hội thảo Châu Đốc; các tác phẩm về danh nhân như "Doãn Uẩn - Tuyển tập Thơ "; "Doãn Khuê - Lập đức, lập công, lập ngôn trọn vẹn "; "Dõi theo vó ngựa Mưu lược tướng Doãn Uẩn "; các cuốn lịch bàn Họ Doãn VN 2017, lịch treo tường Họ Doãn VN 2018… và đặc biệt là Hợp phả Họ Doãn Việt Nam 2021 - tất cả đều có giá trị lịch sử, văn hóa không riêng của dòng họ mà là chung của cả dân tộc. Chúng ta cũng đã kết hợp với các đài truyền hình dựng các chương trình về danh nhân và về dòng họ, như Đài THVN và Đài THTB làm chương trình về cụ Doãn Uẩn, Doãn Khuê, Đài THAG làm chương trình về cụ Doãn Uẩn, Đài THTH làm chương trình về họ Doãn…
Nhìn về quá khứ điểm lại thành công, có chăng chỉ là không kể hết. Xin mọi người hãy hướng về 20 năm tiếp theo mà sẽ kết thúc trước lễ kỷ niệm 100 năm nền Dân chủ Cộng hòa.
Thiển nghĩ rằng:
- Trước hết chúng ta cần một Hội đồng mạnh để suy tư, đề xuất và thực hiện công việc dòng họ, một bộ não tốt mới thành công được. Cần các thành viên có Tâm lực, có Trí lực, có Tài lực, biết khai thác thời gian của mình có hiệu suất cao và có tinh thần cộng tác cao độ trong công việc. Trước mắt vẫn chủ yếu là thành viên ở khu vực Thủ đô, trong tương lai, điều kiện giao thông tốt hơn sẽ mở rộng ra khắp các vùng miền.
- Đẩy mạnh giao lưu nhằm quy tụ hết các chi họ Doãn trong cả nước. Tiếp tục thúc đẩy các chi họ làm phả, chuyển hợp phả sang phả kỹ thuật số và soạn phả cho người khiếm thính.
- Sắp xếp lại việc giỗ Tổ ở Cổ Định, An Duyên, ở các đại liên chi, ở các nhà thờ được xếp hạng công nhận di tích các cấp… sao cho nhiều người có thể tham gia mà không gây quá khó khăn cho các cơ sở, không tốn kém nhiều - chẳng hạn hình thức kết hợp hành hương và du lịch. Mở rộng hơn nữa các sinh hoạt họ tới các miền của đất nước nơi có nhiều người họ Doãn cư ngụ.
- Tạo nguồn kinh phí mở rộng và phát triển hai khu vực lăng mộ và nhà thờ Cổ Định, An Duyên sao cho có thể kết hợp được với du lịch văn hóa, tâm linh.
- Tạo nguồn tài chính thúc đẩy mạnh mẽ công tác mừng thọ động viên các bậc lớn tuổi sống thêm dài thêm vui. Cải tiến công tác khuyến học phù hợp với thực tế mới của đất nước và dòng họ.
- Phát triển mạnh mẽ hơn công tác tư liệu và xuất bản kể cả giới thiệu các tác phẩm của thành viên trong họ. Tranh thủ các phương tiện truyền thông hiện đại mở rộng giao lưu nội ngoại tộc, giới trẻ cần có ý thức cao về công tác này giúp cho thông tin tốt đẹp của họ tộc lan tỏa nhanh, rộng.
Hai mươi năm trôi đi, hai mươi năm lại tới, thời gian như đang rộng mở đón chào những công tích rực rỡ hơn của mỗi thành viên và toàn họ tộc.
Chúc mừng mỗi người con họ Doãn một hạnh phúc riêng và một niềm vui chung của toàn tộc, một thành công lớn lao trong cuộc sống và một đóng góp ít nhiều cho dòng họ.
Tân Sửu Quý Xuân
Doãn Tam Hòe