Phú Mỹ xưa là một làng cổ, có tên là Vân Ổ sách ( sách là đơn vị cư trú nhỏ nhất có từ khi nhà nước Văn Lang, nhà nước đầu tiên trong lịch sử thời vua Hùng), sau đổi tên là Phú An sách, nay là thôn Phú Mỹ, xã Ngọc Mỹ , huỵện Quốc Oai, Hà Nội. Phú mỹ là một trong các thôn được gọi chung là Kẻ Than. Đây là một làng nhỏ, chỉ rộng 1km2 , gần thị trấn Quốc Oai và cách trung tâm Hà Nội chưa đầy 30km. Làng nằm bên sông Ngọc, sông nay đã bị lấp, nhưng xưa kia là một tuyến đường thuỷ quan trọng , nối liền sông Tích với sông Đáy, đến sông Hồng , tức là nối liền cả vùng phên giậu phía Tây với kinh thành Thăng Long. Cái tên làng Than cũng bắt nguồn từ đây (Than: chữ Hán nghĩa là bến sông).
Nơi đây từ xưa đã có câu:“phong cảnh tự nhiên thành, nhất đái sơn khê chung tụ khí”.Do vậy các nhà phong thuỷ cho rằng: thế đất làng Than là thế đất “ngư phục, mã hồi” có thể dụng nên được nghiệp vương bá hoặc chí ít cũng làm nên được võ công, văn nghiệp.
Theo các phả cũ, con thứ hai cụ Thái Bảo Hương Giang Công Doãn Mậu Khôi ở An Duyên xã Tô Hiệu huyện Thường Tín, đã về sinh sống ở thôn Yên Quyết, xã Yên Hòa ( nay thuộc quận Cầu Giấy, Hà Nội ), Con cháu cụ nay một số còn ở đó, một số thiên cư đi các nơi sinh ra các chi Phú Mỹ
( Hà Nội), Liêu Trung, Liêu Xá, (Hưng Yên.), Hải Triều ( Thái Bình )…
Cụ thủy tổ chi Phú Mỹ là Doãn Phúc Huyên, hiện chưa rõ cụ là con hay cháu cụ khởi thủy chi thứ hai ngành An Duyên.Họ Doãn về Phú Mỹ tới nay đã gần 500 năm ( từ khoảng giữa thế kỷ XVI ) nay đã có đến đời 17. Ngày giỗ tổ là ngày 16 tháng giêng âm lịch hàng năm. Trưởng tộc hiện nay là ông Doãn Văn Hà (đời 15 ).Có một chi là con cháu cụ Doãn Văn Nho(đời 8 )thiên cư sang xã Hòa Thạch cùng huyện nhưng vẫn về Phú Mỹ sinh hoạt việc họ. Đời 10 có cụ Doãn Huy Quýnh thiên di lên Đoan Hạ, Thanh thủy, Thanh Ba, Phú Thọ nhưng hiện nay con , cháu có còn ở đó không , chúng tôi chưa bắt được liên lạc.
Chi Phú Mỹ hiện có ngôi nhà thờ họ lâu đời,, được tu sửa lại vào năm 1924 thờ tổ tiên, các cụ trúng trường thời Nho học, các cụ có công với dân, với nước .
Chi Phú Mỹ đã bảo tồn ngôi mộ lớn có từ gần 300 năm của vị tướng thời Tây Sơnlà cụ Triều liệt Đại phu, Binh khoa đô cấp sự trung, Tước Tuân Đức Tử Doãn Nguyên Hồng.
Truyền thống hiếu học của chi Phú Mỹ :.
I.Thời Nho học :
Bắt đầu từ cụ Doãn Tiên Chính(đời 3 ) , hiệu Phúc Thành đỗ Phủ Sinh triều Lê , liên tiếp các đời sau có nhiều cụ thi Hương, thi Hội .
Đời 5 : Cụ Doãn Mẫn Đạt,Tự Bá Khanh đỗ Hương cống khoa Bính Tuất (1706) triều Lê, thi Hội trúng Tam trường, được cử làm huấn đạo ở huyện Triệu Phong, sau làm tri huyện ở
Lục Ngạn , Bắc Giang, Tri huyện Thanh Oai, Hà Đông.
Đời 6 có 2 cụ:
- Cụ Doãn Nguyên Hồng ( Doãn Hào ), hiệu Dụng Chu, đỗ Hương cống năm 25 tuổi, thi Hội hai khoa trúng Tam trường, làm quan đến chức Triều Liệt đại phu Binh khoa đô cấp sự trung, tước Tuân Đức tử dưới triều Tây Sơn.
- Cụ Doãn Bình Thứ hai lần thi hương triều Lê đều trúng Tứ trường nên gọi là cụ CửKép, làm quan đến chức Tiến công thứ lang, Tuyên Trung Điếm Bạ
Đời 7 có :
- Cụ Doãn Huy Thuỳ ( Doãn Nguyên ), hiệu Định Trai Năm 21 tuổi, cụ thi Hương khoa Kỷ Hợi (1779) đỗ Hương Cống, làm chức Quốc tử Giám tư nghị kiêm Huấn Đạo.
-Cụ Doãn Huy Dịch đỗ đầu xứ và đỗ Quận Trường.
- Cụ Doãn Huy Huyến , đỗ Quận trường.
Đời 8: Cụ Doãn Huy Chân, ( Doãn Hoàn ) hiệu Nhĩ Thực, năm 16 tuổi, cụ đỗ đầu xứ, sau đó đỗ Tú tài 4 khoa liền nên gọi là cụ Đụp.
Đời 9: có 3 cụ :
-Cụ Doãn Huy Kỳ, hiệu là Ôn Như, thi Hương Khoa Nhâm Dần (1842) đỗ Cử Nhân, làm giáo thụ phủ Phú Bình (Thái Nguyên) rồi quyền tri phủ phủ ấy.
- Cụ Doãn Huy Khôi(Doãn Thơ, hiệu Đoan Tư), năm 18 tuổi đỗ Tú tài, khoa Canh Ngọ đời Tự Đức (1870) đỗ Cử Nhân.
- Cụ Doãn Huy Văn, con thứ hai cụ Huy Chân, thi hương 4 khoa đều đỗ Tam trường, một lần đỗ đầu xứ
Đời 10: có 2 cụ:
-Cụ Doãn Huy Cương, hiệu Tử Trương, đỗ Tú Tài khoa Canh Tý(1900)
- Cụ Doãn Huy Toản, tự Quang Tán, hiệu Tương trọng, đạo hiệu Hoàng Khê Nhẫn Thuyền, đỗ Tú Tài 2 khoa Canh Tý ( 1900) và Quý Mão ( 1903 ) nên gọi là cụ Kép.
Không chỉ lao tâm nấu sử sôi kinh, khi dược bổ làm quan các cụ đã thể hiện tích cách của người họ Doãn đó là những tấm gương chính trực,yêu nước, thương dân, không khuất phục trước cường quyền.Những trang phả cũ còn ghi lại nhiều công tích:
- Cụ Doãn Bá Khanh , hiệu Mẫn Đạt khi làm tri huyện Thanh Oai , có quan Thừa chánh Sơn Nam vì đã nhận hối lộ của một thí sinh nên đã chỉ đạo để cho người đó đỗ đầu xứ. Nhưng cụ không nghe, đã chấm cho một danh sỹ là Hoàng Vĩ đỗ đầu, quan Thừa Chính tức giận. khi thi tỉnh tìm cách hạ Hoàng Vĩ xuống thứ 23. Khi các quan phủ, huyện họp ở Dinh trấn, quan Thừa Chính nói: “ Văn lý của Hoàng Vĩ rất tầm thường mà viên tri huyện Thanh Oai cho đỗ đầu xứ, thế là chấm sai phải mau chịu phạt”Cụ không chút sợ hãi vẫn nói lời khảng khái: “Thi tại tỉnh là quyền của quan lớn, tôi không giám nói gì, xin chờ tới kỳ thi Hương,nếu Hoàng Vĩ không đỗ Thủ khoa, tôi chẳng những chỉ chịu phạt mà còn xin trả lại chức tri huyện nữa”. Quả nhiên cụ không bị phạt và mất chức Tri huyện vì khoa thi Hương năm đó Hoàng Vĩ không chỉ đỗ thủ khoa mà năm sau thi Hội lại đỗ Hội Nguyên (đỗ đầu thi Hội)
Cụ làm tri huyện ở đó 6 năm, khi biết cụ đến tuổi về hưu, dân trong huyện tập hợp rất đông, đến dinh quan trấn xin lưu cụ ở lại nhưng không được.Ngày cụ về hưu, dân huyện thuê thuyền lưu luyến tiễn theo cụ đến tận bến đò Lềnh ( thuộc vùng So huyện Quốc Oai) và làm nhiều bài thơ cảm tạ, ca ngợi công đức cụ.Thời đó cụ có tiếng thương dân nên được dân tôn cụ là Huyện Bụt.
Đặc biệt, đời 6 có cụ Doãn Nguyên Hồng,(Doãn Hào) hiệu Dụng Chu, sinh năm 1735 . Năm 25 tuổi, Khoa Kỷ Mão (1759), thi Hương đỗ Hương Cống; thi Hội 2 khoa đều trúng Tam trường. Năm Đinh Dậu (1777) cụ được bổ làm Giảng dụ; năm cụ 1782 , làm tri huyện Phúc Yên, năm 1787 làm tri huyện Bất Bạt.
Trong những năm làm quan, cụ đã kế tục truyền thống của người cha ( cha cụ là Tri huyện Doãn Bá Khanh đã nêu ở trên ) là một vị quan thanh liêm, chính trực.Cụ luôn chăm lo đời sống nhân dân, xử phạt công bằng nghiêm minh,bọn cướp bóc, cường hào bắt nạt dân lành đều bị trừng trị đích đáng .Dân trong các vùng cụ cai quản đều ca tụng cụ xứng là Quan Phụ Mẫu.
Năm 1794 cụ làm quan dưới triều Tây Sơn , do có công giữ nghiêm phép nước và đặc biệt là tài tra xét án, giải được nhiều oan án lớn nên được nhà vua thăng chức Triều Liệt đại phu, Bình khoa Đô cấp sự trung, tước Tuân ĐứcTử, một chức quan to trong triều. Ở chức cao, quyền lớn cụ càng có điều kiện chăm cho dân , lo cho nước, chống lại bọn tham quan, ô lại .
Khi mất, cụ được ban táng trên một mảnh đất riêng tại xứ Chùa Vạc ( thôn Văn Khê thuộc xã Nghĩa Hương). Cụ được yên nghỉ trong một khu có vườn cây, hoa trái phong cảnh tươi đẹp, yên bình, đó là nơi để khi tưởng nhớ công ơn cụ, nhân dân và con cháu thường xuyên về thăm viếng . Hiện nay cảnh quan đã thay đổi, qua nhiều biến loạn của thời cuộc, nhưng ngôi mộ tổ lớn gần 300 năm vẫn trường tồn ở đó .
Cụ Doãn Huy Chân ( Doãn Hoàn ) hiệu Nhĩ thực, đỗ Tú tài 4 khoa nên gọi là cụ Đụp, cụ có tư chất thông minh, năm 16 tuổi đã đỗ đầu xứ .Cụ là người học rộng, khảng khái , được văn thân trong huyện tôn là Trưởng huyện.Quan phủ nào khinh rẻ, ức hiếp dân chúng, cụ đến thương thuyết với Tổng đốc, lập tức phải đổi đi ngay, cả hàng phủ, ai cũng kính nể cụ.
Cụ Doãn Huy Khôi ( Doãn Thơ ),tự Đoan Tư, năm 18 tuổi, đỗ Tú tài, đến năm Canh Ngọ, đỗ Cử nhân.Khi Pháp xâm lược Bắc Kỳ, cụ đốc suất lính dũng trong làng ra cự địch.Có một lần, cụ cùng dân làng dự tiệc ở sân đình, có tên tướng giặc đi qua sách nhiễu dân.Cụ đã dùng lý lẽ đấu lại, khi biết được tên và uy của cụ, tên tướng giặc phải ra đi.Sau cụ vào kinh nhận chức Hành tẩu rồi được bổ làm tri huyện nhưng chưa kịp nhận chức thì bị bệnh, cụ sớm qua đời năm 43 tuổi. Cụ Doãn Huy Toản, tự Quang Tán, đạo hiệu Hoàng Khê Nhẫn Thuyền(là thân sinh cụ Doãn Kế Thiện), đỗ Tú Tài hai khoa thi :năm Canh Tý (1900) (đỗ cùng anh ruột là Doãn Huy Cương) và năm Quý Mão (1903), là người nổi tiếng hay chữ nhưng tính cương trực, phóng khoáng nên chỉ đỗ Tú tài.
Ở một khoa thi Hương, lẽ ra cụ đỗ thủ khoa nhưng bị giáng vì có một Thầy nho hối lộ để người nhà đỗ thủ khoa, cụ biết, đến gặp Thầy nho bảo rằng sẽ đi kiện, Thầy nho bảo: “Nếu cậu xứng đáng thủ khoa hãy đối lại câu này: “Đệ tử tụng sư thiên cổ tội” (nghĩa là: học trò kiện thầy tội ngàn năm), lập tức cụ đối lại ngay: “Tiên sinh hối lộ bách niên ô” (nghĩa là: thầy đi hối lộ trăm năm ô nhục để đời). Nghe xong ,hoảng quá Thầy không bình tĩnh được nữa chỉ còn biết chắp tay vái lạy “ Xin bái phục cậu , xin cậu hãy bỏ qua cho tôi, cậu không thủ khoa khoa này thì thủ khoa sau, cho tôi xin cậu!…”. Hôm người bạn cụ ở Đông Yên là cụ Lê Đình Lục ( sau là quan Án sát Lạng Sơn, là ông nội hai nhạc sỹ nổi tiếng Lê Yên, Lê Lôi. Lê Yên và Doãn Mẫn là lớp nhạc sĩ tiền chiến hiếm , thuộc thế hệ tiên phong của tân nhạc Việt Nam. ) đỗ Cử nhân được dân làng ra huyện đón rước, cụ Lục dặn dân chúng: “ Khi qua làng Phú Mỹ, tuyệt đối không được chiêng trống ầm ỹ vì trong làng đó có cụ Kép Than , danh sỹ nổi tiếng và là ân nhân của ta , mọi người qua làng phải biết lễ độ.”, sau hai cụ là thông gia ( Hai anh em nhạc sỹ Lê Yên, Lê Lôi là cháu ngoại của họ ta ) Uy danh của cụ làm nhiều vị chốn quan trường kính nể, các quan tri phủ về nhận chức ở phủ Quốc Oai, như đã thành thông lệ: công việc đầu tiên phải làm là tham kiến cụ Kép Than (Than cũng là tên làng Phú Mỹ).Cụ thường giao du với nhiều nhà khoa bảng, nhà cách mạng. Khi cụ mất, Cụ cử Dương Bá Trạc (bạn tri âm của cụ , nhà cách mạng sáng lập Đông kinh nghĩa thục quê ở Mễ Sở, Hưng Yên ) viếng câu đối thương tiếc: “Ngán nỗi thời nay, sự thế lung tung trò múa rối Cùng ai chuyện cũ, làng nho lác đác ánh sao mai”
II. Thời kỳ hậu nho :
Đầu thế kỷ XX, khi Nho học hết thời thịnh, nhưng họ Doãn Phú Mỹ không bỏ chữ Nho, các cụ vẫn theo học tuy không học để thi cử , nhưng học để tiếp thu , chắt lọc cái tinh túy của của đạo Nho truyền lại cho con, cháu và nhân dân. Nhiều cụ dạy chữ Nho trong làng , trong tổng như các cụ đời thứ 11: cụ Tổng sư Doãn Huy Quân, cụ Cửu phẩm văn GiaiDoãn Huy Đào , Cụ Doãn Huy Luyện Cụ Doãn Huy Thiệu ,cụ Doãn Văn Nhuận… Cụ Doãn Kế Thiện (1891-1965 , đời thứ 11 ),với các bút hiệu Sở Bảo, Long Thành, Bất Ác, Sơn Vân, là nhà văn hóa nổi tiếng (nhà báo, dịch giả chữ Hán, nhà nghiên cứu Hà Nội học), một nhà nho hoạt động cách mạng, từng là Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc thành phố Hà Nội.
Cụ được sinh trưởng trong gia đình có truyền thống khoa bảng ( cụ là con cụ Kép Doãn Quang Tán ) nên rất tinh thông Hán học, cụ còn học giỏi Pháp văn, ở tuổi 20, cụ đã là thầy giáo hàng tổng. Sau cụ ra Hà Nội viết báo, viết văn truyền bá lòng yêu nước. Cụ là bạn vong niên của Tản Đà Nguyễn Khắc Hiếu , Trúc Khê Ngô Văn Triện , nhà cách mạng Xuân Thủy , Khuất Duy Tiến.... Thơ dịch của cụ rất hay nhưng vì chưa in nhiều nên chưa được độc giả biết đến. Cụ viết cho các báo: Nam Phong tạp chí, Thực Nghiệp dân báo, Khai Hóa, Mới, Tiểu Thuyết Thứ Bảy, Trung Bắc tân văn, Trung Bắc chủ nhật, Tri Tân tạp chí... hầu như kì nào cũng có bài viết về Hà Nội. Năm 1941, cụ mở tờ Văn chương xã hội, lấy tên là Thanh Nghị, cộng tác viên có Dương Đức Hiền, Nguyễn Tuân, Đặng Thai Mai…Cụ viết nhiều nhất về Hà Nội, liên tục từ năm 1941 đến năm 1945 trên tờ Trung Bắc chủ nhật. Cụ còn viết cho cả báo chí Sài Gòn như các tờ Công Luận, Trung Lập... Cách mạng Tháng Tám năm 1945, cụ làm cố vấn cho chính quyền cách mạng tỉnh Sơn Tây. Cụ tham gia Ban vận động thành lập Hội Liên Việt khu XI (Chiến khu Hà Nội) rồi được bầu làm Hội trưởng đầu tiên.
Năm 1948, làm Phó Hội trưởng Hội Liên Việt Liên khu. Năm 1951, cụ tham dự Hội nghị thống nhất Mặt trận tại Việt Bắc, được gặp và chụp ảnh lưu niệm với Bác Hồ, được bầu vào Ban chấp hành Trung ương Mặt trận Liên Việt . Năm 1955, MTLV đổi thành Mặt trận Tổ quốc , cụ được bầu làm Ủy viên UBTƯ MTTQ Việt Nam. Cụ làm Chủ tịch MTTQ Việt Nam TP Hà Nội 3 khóa liền. Cụ được Chính phủ và Hồ Chủ tịch tín nhiệm giao cho nhiều trọng trách và cụ đã hoàn thành xuất sắc. Tháng 7 năm 1959, cụ được cử làm Trưởng đoàn đại biểu nhân dân Thủ đô đi thăm đồng bào miền Nam nhưng rất tiếc là đến phút cuối cùng chính quyền miền Nam đã không đáp ứng nguyện vọng của đồng bào hai miền Nam - Bắc và chuyến đi đã không thể diễn ra. Ngày 3-3-1951, Bác Hồ gửi tới cụ Thiện bức ảnh chụp cùng nhau ở chiến khu Việt Bắc với bút tích và chữ kí của Người. Người đóng dấu cá nhân,dấu cách riêng của các nhà Nho học, chứng tỏ tình cảm đặc biệt với cụ.
Cụ sống rất liêm khiết, có nguyên tắc và ngay thẳng. Khi tham gia MTTQ Việt Nam, có lần cụ được Bác Hồ gợi ý rằng Chính phủ sẽ cấp cho một ngôi nhà bên Hồ Tây nhưng cụ xin không nhận mà vẫn ở nhà tập thể. Năm 1964( 73 tuổi ) cụ nghỉ hưu vẫn không xin nhà ở Hà Nội để được về quê sống với họ hàng ,con cháu. Ngày 04-12-1965, cụ mất. Tang lễ cấp Nhà nước được tổ chức tại Phú Mỹ (nguyện vọng của cụ là được chôn cất tại quê nhà). Phó Thủ tướng Chính phủ Phan Kế Toại là Trưởng ban lễ tang. Ngày 27-12-1991, Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật Hà Nội tổ chức kỉ niệm 100 năm ngày sinh của cụ. Đại biểu có: Chủ tịch Quốc hội Lê Quang Đạo, Chủ tịch MTTQ TP HN, Giáo sư, bác sĩ Phạm Khắc Quảng, các nhà văn, nhà thơ và nghiên cứu văn hóa, văn học: Tô Hoài, Vũ Quần Phương,Nguyễn Vinh Phúc,Vũ Tuấn Sán,Phạm Phấn,Giang Quân...và đong đảo con cháu họ Doãn. Các tác phẩm chính của cụ là: Hà Nội cũ (1943); Cổ tích và thắng cảnh Hà Nội (1959); Danh nhân Việt Nam... và nhiều bản dịch thơ Đường, Tống... Năm 1943, cụ in cuốn “Hà Nội cũ” tại NXB Đời Mới, có 20 mục, kể về 20 địa điểm và nhân vật của HN thế kỉ XIX; lí giải những địa danh Ngõ Trạm, trai Ngõ Trạm ngỗ ngược; gái ngõ Tạm Thương dữ dằn do đâu, tại sao Quảng trường Đông Kinh Nghĩa Thục, ở phía Bắc Hồ Gươm, xưa lại là bãi pháp trường...
Năm 1942 cụ viết “ Lược khảo thơ Trung Quốc”, năm 1944 viết “ Máu thịt xây thành” Từ năm 1955, cụ viết đều đặn cho chuyên mục “Cổ tích và thắng cảnh Hà Nội” trên báo Thủ đô Hà Nội, với bút danh Sơn Vân. Năm 1959, cụ tập hợp các bài báo, bổ sung thêm, in thành cuốn “Cổ tích và thắng cảnh Hà Nội", NXB Văn hóa.
Các nhà nghiên cứu coi là viên gạch đầu tiên đặt nền móng cho ngành Hà Nội học hiện đại, là công cụ nghiên cứu về Hà Nội với những kiến giải dựa trên cơ sở khoa học. Cụ được tôn vinh là Danh nhân văn hóa của đất nước. Riêng trong lĩnh vực nghiên cứu về Hà Nội, cụ được vinh danh là Nhà Hà Nội học đầu tiên.
Tháng 7-2001, Hội đồng nhân dân TP Hà Nội ra Nghị quyết đổi và đặt tên mới cho phố Béc- la ( quận Cầu Giấy) đổi thành phố Doãn Kế Thiện. Cụ Doãn Huy Thông ( đời 11, cụ thân sinh Nhạc sĩ Doãn Quang Khải ) , nhà nghèo , vẫn chăm chỉ học hành, có bằng Thành Chung đầu tiên trong xã (hồi đó người có bằng Thành chung như cụ chỉ lác đác một số người ) cụ làm nghề dạy học,dân trong vùng quê gọi là Thầy Giáo Thông.Cụ mất sớm. Cụ Doãn Quang Tích : ( đời 11 ) , từ nhỏ rất thông minh, nhà nghèo không có điều kiện đến trường , cụ đã tự học và có bằng Thành chung từ sớm, sau khi miền Bắc giải phóng ( 1954 ), cụ vẫn tự học, và tốt nghiệp Đại học Bách Khoa. Cụ làm việc tại bộ Công nghiệp nặng , là Trưởng phòng của bộ .Cụ về hưu và mất năm 1981