Lòng mỗi người con họ Doãn đều mang nặng một niềm mong muốn “Vấn Tổ tìm tông”. Lễ kỉ niệm 100 năm ngày Hợp biên gia phả tại thôn Đình Cao, xã Đình Cao, huyện Phù Cừ, tỉnh Hưng Yên hôm 20, 21/8/2011 vừa qua quả là một dịp hiếm có. Hiếm có không chỉ trăm năm có một với những người trong Doãn tộc, mà có lẽ còn hiếm có trên bình diện các dòng họ Việt Nam nói chung. Cho đến hôm nay, theo sự tim hiểu của riêng bản thân tôi, chưa dòng họ nào có một sự kiện tương tự như vậy.
Mùa thu Đình Cao thật đẹp. Cơn mưa ngâu vừa tạnh, nắng nhẹ, gió hiu hiu, những vườn nhãn trĩu quả sáng lên, khoe hương mật sông Hồng. Con đường về Đình Cao cũng thật ấn tượng, cởi mở, vồn vã và sạch tinh. Tấm lòng người dân nơi đây hồn hậu biết bao. Xe chúng tôi dừng lại hỏi đường ở đâu cũng được chỉ bảo cặn kẽ, thân tình. Ai cũng hỏi ”Có phải về họp họ Doãn không?”. Hoá ra, việc hợp biên gia phả của họ ta là một sự kiện văn hoá chung của cả một vùng quê nhãn nồng ấm này!
Đến Đình Cao, cờ hiệu và băng giôn đưa chúng tôi về nhà thờ Tổ. Đám rước Tổ cũng vừa tới nơi. Hương trầm nghi ngút, những cây nhãn đội quả đang hướng vào lễ đường giống như những mâm lễ vật tự nhiên vậy. Đội tế đến từ Giao Thuỷ, Nam Định áo mũ tề chỉnh, dang chuẩn bị nghi thức tế Tổ. Tôi được bác Doãn Lân dẫn vào sảnh nhà thờ và ưu tiên cho một chỗ ngồi tốt để quan sát lễ tế, cũng là lần đầu tiên trong đời tôi chứng kiến tường tận nghi lễ uy nghi này. Theo nhịp trống tế, đàn nhị, trái tim tôi hồi hộp cùng bước đi khoan thai, cung kính của vị chủ tế tiến về bàn thờ dâng hương bái Tổ. Chân tóc tôi như dựng hết lên, một luồng điện chạy suốt từ sống lưng lên đỉnh đầu, dường như tôi nghẹt thở... Trong tâm thức tôi, các vị tiền liệt đang hiện diện trong lễ đường, có cả ông bà nội tôi và cha tôi nữa... đang hướng về chúng tôi với ánh nhìn rạng ngời, trìu mến. Lòng tôi cũng tràn ngập một cảm xúc khó tả, vừa thiêng liêng vừa ấm áp lạ thường.
Sau lễ tế Tổ, chúng tôi hút về hội trường gặp gỡ các chú bác, anh em đến từ khắp đất nước và chụp ảnh dưới tấm phông lớn thu toàn cảnh vùng đất Phố Hiến trù phú, với hình bản đồ Việt Nam, ngôi nhà chung của các dòng họ Việt, xa xa là ngôi mộ Tổ dưới bóng cờ đại... để lưu lại khoảnh khắc quý giá trong tình thân tộc dào dạt và tự cho rằng mình là người giàu có giữa cuộc đời này. Những bữa cơm giữa anh em mới đậm đà làm sao. Chúng tôi vừa uống rượu Đình Cao nhẹ và ngọt dịu vừa thưởng thức rượu thuốc mang ra từ Doãn Xá. Một thứ rượu mạnh thơm nồng vị nắng gió và ngọt gắt của xứ Thanh làm cho cuộc vui thêm phần sôi động. Trong gia đình Doãn tộc không có sự phân biệt trai gái, giàu nghèo, chỉ có sự sẻ chia và gần gụi, bao bọc mà ai đã đến thì sẽ mang theo về làm vốn quý suốt đời.
Tôi cũng không ngờ rằng dòng họ tôi lại yêu văn nghệ đến vậy. Đêm giao lưu văn nghệ thu hút rất nhiều bà con trong vùng cùng dự và cùng thể hiện khả năng nghệ thuật của mình. Các làn điệu chèo và ca trù chiếm ưu thế. Các cụ ông, cụ bà tuổi trên 70 còn hăm hở áo the, áo tứ thân, khăn nhiễu, son phấn rực rỡ. Các cụ cho thấy sự trẻ trung đích thực nằm trong tâm hồn, trong niềm vui sống của mỗi người. Sân khấu được giới trẻ kính cẩn dành cho các bậc cao niên.
Đêm Đình Cao trong vắt, êm ả, không có tiếng gầm rú của xe máy, ô tô. Chị em tôi được các chị em con cụ Bản, một người có uy tín và công trong việc xây dựng nhà thờ và lưu giữ, ghi chép gia phả của chi Đình Cao đón về nhà nghỉ cùng với cụ bà. Tiếc rằng cụ ông đã tạ thế gần hai năm. Chưa từng gặp cụ nhưng tôi cứ ước giá như cụ thọ thêm để được chứng kiến trọng lễ này của dòng họ! Cụ bà cùng các chị em gái, chị dâu đón chúng tôi thân tình không kể xiết. Thật là “Trăm đời tuy xa nhưng tình thương yêu cũng như trong một nhà”. Chị em tôi ngủ ngon lành trong tổ ấm gia đình sau khi thưởng thức hoa quả trồng trên đất quê và tắm bằng nước mưa hứng từ mái ngói của cha ông mình ngọt mát. Hôm sau vẫn có nhiều lời trách “Sao không đến nhà anh để nghỉ, sợ nhà anh chật à?”. Vâng đúng là không nhà ai chật cả bởi vì lòng người họ Doãn vốn rộng với tất cả mọi người huống chi là anh chị em thân tộc!
Buổi lễ kỉ niệm 100 năm ngày Hợp biên gia phả họ Doãn ta diễn ra vô cùng hoành tráng với sự góp vui của đoàn nữ quân nhạc tỉnh Thái Bình, với sự có mặt của nhiều quan khách địa phương, sự hiện diện của trai gái dâu rể, trong đó có nhiều người thành đạt như con rể họ, nguyên phó thủ tướng Nguyễn Công Tạn, con trai họ, ông Doãn Thế Cường, phó Bí thư thường trực tỉnh Hưng Yên, nhạc sĩ Doãn Nho...Rất nhiều người con khác của dòng họ có học hàm, học vị cao. Đặc biệt, tôi được nghe kể lại và vô cùng kính phục, cảm động trước tấm gương các bậc tiên liệt có công hợp biên gia phả 100 năm trước như các cụ Doãn Thự, Doãn Duyện, Doãn Thai, Doãn Phác, Doãn Uẩn, Doãn Đĩnh, Doãn Gia Trung... Các cụ, các ông bà đóng góp không mệt mỏi cho sự chắp nối dòng họ, cho việc biên tập gia phả và quy tụ bà con dòng tộc khắp nước, nối chí cha ông trong khát vọng “thu tộc” từ hàng ngàn năm như các cụ Hàn Đức, Doãn Tuế, Doãn Thị Nguyên, Doãn Thị Hiên, Doãn Mậu Côn, Doãn Đức Toại, Doãn Vinh, Doãn Văn Đính, Doãn Viết Ngợi, Doãn Long... Các ông, bà Doãn Sửu, Doãn Châu Long, Doãn Ngọc Ánh, Doãn Quý Cối, Nguyễn Đăng Na, Nguyễn Viết Trứ, Doãn Thế Lân, Doãn Lộc, Doãn Tam Hòe, Doãn Đoan Trinh .. và còn nhiều vị khác tôi không biết hết cũng như các bác, các cô chú anh chị em trong Ban liên lạc hiện nay.
Những bài tham luận trong lễ kỉ niệm dều có ý nghĩa và giá trị tinh tinh thần, nhưng tôi đánh giá rất cao bài tham luận “Ảnh hưởng của gia phả với dòng họ Doãn Việt Nam” của ông Doãn Quang Thái, bài “Sự quy tụ dòng họ cùng việc tìm ra cội nguồn qua những lần biên soạn hợp phả họ Doãn ” của ông Doãn Quý Cối, bài “Suy ngẫm về giá trị văn hiến của họ Doãn nhà” của ông Doãn Cúc... Các bài viết trên thể hiện sự nghiên cứu khoa học nghiêm túc hoặc những trăn trở tâm huyết làm cảm động sâu xa tâm hồn người đọc bởi sự khơi nguồn trong mát tự đáy thẳm cội gốc họ ta, bởi niềm tự hào đich thực về Tổ tiên và mong muốn con cháu tiếp tục giữ đạo nhà, noi gương sáng hiền nhân làm rạng danh dòng tộc và đất nước.
Bức thư của ông Doãn Tới, một người con họ Doãn lập nghiếp ở An Giang, một doanh nhân thành đạt và nhiệt tâm, thành kính với Tổ, với gia tộc làm không ít người phải rơi lệ và day dứt một điều “Mình đã làm gì cho dòng họ mình? Mình phải làm gì trong tương lai để xứng đáng là con cháu dòng họ văn hiến của mình?”. Tôi cũng được biết trong họ ta có một số người cũng có tiếng tăm, có địa vị xã hội và chức sắc nhưng vẫn chưa nồng mặn lắm với các hoạt động của dòng họ, vẫn đứng ngoài nỗ lực của cả dòng tộc như một người xa lạ. Số đó tuy không nhiều nhưng thật là điều làm linh hồn Tổ tiên ta chưa vui. Tôi mong rằng và hy vọng rằng ai là cháu con của họ Doãn hãy nhập vào dòng chảy cuồn cuộn của tình huyết thống của một dòng họ văn hiến tuy nhỏ mà không nhỏ như họ ta, để dòng chảy ấy đi tới biển cả bao la thân ái và hạnh phúc. Mỗi người một chút, người góp của, người góp công, người góp tâm... để rừng phúc của họ ta tươi xanh rợp bóng cho mỗi gia đình, mỗi người con Doãn tộc được hưởng phúc trạch dồi dào.
Thu Đình Cao năm nay, họ nhà vô cùng vui mừng đón bà con từ đất Ba Vì về với anh em nguồn cội. Họ Doãn ta cũng như nhiều dòng họ khác trải qua thăng trầm lịch sử giờ lại trùng phùng.
Chia tay Đình Cao, tôi xin có lời tri ân tới các chú bác, anh chị em trong chi họ Đình Cao, những người vinh dự gánh phần trách nhiệm to lớn đã tổ chức thành công lễ kỉ niệm lớn nhất từ 100 năm nay của họ ta. Tôi xin mang về tấm ân tình của bà con cô bác ở đây và luôn mong muốn báo đáp bằng những việc làm thiết thực của bản thân mình với dòng họ. Linh khí Đình Cao, vị ngọt Đình Cao sẽ trở thành năng lượng của tâm hồn tôi giúp tôi thăng hoa giữa bộn bề của cuộc sống thường nhật