NGŨ TRI ĐƯỜNG
TẢO TRANG
“Ngũ tri đường" là tên nhà đọc sách của Nhậm Bố, người Trung Quốc, sống cuối thế kỷ 10 đầu thế kỷ 11, dưới triều Tống, từng đỗ Tiến sĩ, làm quan tới hàm Thái tử Thiếu bảo trước khi về hưu "Ngũ tri đường" chỉ 5 điều biết, coi như cần thiết cho mọi người: Tri ân, Tri đạo, Tri mệnh, Tri túc, Tri hạnh. Với 5 điều biết này, có thể nói đã thâu tóm hướng tu dưỡng, triết lý sống của con người chân chính.
1. Tri ân (biết ơn), được đưa lên đầu, điều "nhận biết" quan trọng bậc nhất, có thể nói nếu thiếu nó, không thể thành người. Biết ơn cha mẹ đã sinh ra và nuôi dạy. Biết ơn thầy dạy, và mọi người đối xử tốt với mình, dù là người trên, ngang hàng hay cấp dưới. Biết ơn xã hội đã cung cấp cho mình mọi thứ thuận lợi, nhiều bài học điều hay lẽ phải. Biết ơn thiên nhiên và môi trường đã đem lại cuộc sống cho con người, do đó phải bảo vệ và cải thiện. Biết ơn ngay cả cơ thể đã cung cấp cho mình nhiều điều vui, do đó phải chăm sóc và rèn luyện. Nhận biết như vậy, mọi hành động gây hại cho đời sống thể chất và tinh thần đều là bất nhân bất nghĩa. Sống có ân nghĩa là điều căn bản để sống có hạnh phúc, vì tạo được sự hài hòa giữa mình với chunh quanh, và sự hài hòa ngay trong bản thân mình. Rất nhiều chùa Phật giáo có tên "Báo ân tự", coi việc "Tri ân" là nhận thức quan trọng hàng đầu của con người. Và nếu có được "Tri ân", mọi ý định tự sát không thể chấp nhận.
2. Tri đạo (biết đường đi): Biết con đường phải đi theo, phân định rõ thiện và ác, tốt và xấu, đúng và sai, chính đáng và tội lỗi. Điều này đứng ở hàng thứ hai, và rất quan trọng. Chỉ "Tri ân" mà không "Tri đạo", có thể dẫn tới hậu quả rất tai hại. Trả ơn nhưng phải hợp đạo nghĩa, không vì tình riêng hại đến ích chung. Ân và nghĩa phải đi đôi với nhau, mới tạo được cuộc sống chân chính. Biết chọn đường đi đúng, cho suốt cả cuộc đời, cho từng giai đoạn, và cho từng trường hợp cụ thể. Muốn thế phải sáng suốt và dũng cảm, gạt bỏ mọi định kiến suy tính cá nhân.
3. Tri mệnh: (mệnh) bao gồm mọi yếu tố quyết định cuộc sống của mỗi người, như sức khỏe của cơ thể, tiếp nhận từ cha mẹ, và do mình tạo nên (tăng cường hay hủy hoại), tính tình, nhận thức do ảnh hưởng từ bên ngoài, và do tác động tốt hay xấu của chính mình. "Mệnh" cũng bao gồm cả mọi yếu tố của hoàn cảnh khách quan (thiên nhiên hay xã hội) tác động đến con người, tạo điều kiện thuận lợi hay trở thành vật cản mà con người không thể vượt qua. Hiểu biết rõ bản thân và hoàn cảnh khách quan sẽ nhận thức được việc gì mình làm được, việc gì không làm được, giảm bớt tới mức tối đa sự thất bại, và dù có vấp váp, sẽ không oán trời, không trách người (bất oán thiên, bất vưu nhân - lời Kinh Dịch), bình tĩnh nhìn lại mình, tìm ra giải pháp thích đáng nhất. "Mệnh" như trình bày ở trên, sách cũ thường gọi là "mệnh trời" (thiên mệnh), chi phối mọi hoạt động con người, cần nhận thức đúng đắn mới có thể thực sự làm chủ được cuộc sống. "Tri mệnh" còn trợ giúp đắc lực, thậm chí là điều kiện thiết yếu để thực hành có hiệu quả "Tri ân" và "Tri đạo". ở hai địa hạt này, cũng như ở trong mọi địa hạt khác trong đời sống, phải "Tri mệnh", nhận hiểu thấu đáo khả năng mình cùng thế lợi và hại của hoàn cảnh khách quan, mới xác định được hướng hoạt động thích đáng, có hiệu lực cao nhất.
4. Tri túc (biết đủ): Tự cho mình là đủ, vui ở cái mình đang có, không cầu mong những thứ quá sức mình, những thứ không chính đáng. Không "đứng núi này trông núi nọ", biết vui hưởng núi trước mắt. "Biết đủ" không dẫn tới thái độ tiêu cực, không thủ tiêu chí tiến thủ, vì phải kết hợp với "Tri ân", và "Tri đạo", đòi hỏi sự vươn lên không ngừng. Sự nhận biết này là một khía cạnh của nghệ thuật sống: không quên vui ở hiện tại, đồng thời vẫn tích cực hướng tới một tương lai trong sáng hơn.
5. Tri hạnh (biết được may, được phúc). Nói tới "Tri hạnh", có thể coi việc "được may" đầu tiên là có được niềm vui nhận thầy mình "được" là người, tức có "tài năng kiến thức hơn muôn vật" ("linh ư vạn vật"), vì thế phải sống sao cho xứng đáng với danh hiệu đó, biết tu dưỡng, chiến thắng mọi thứ xấu xa hèn kém, vươn lên không ngừng. ở phạm vi sinh hoạt thường ngày, "Tri hạnh" giúp ta gạt bỏ mọi nỗi buồn phiền. Trong cuộc sống con người luôn luôn phải đối phó với những thứ không vừa ý, từ những vướng mắc nhỏ đến những tai họa bất thường. ở mọi hoàn cảnh, nếu biết nhìn nhận thấy những cái mình còn may mắn có, coi như đã có phúc vì không gặp phải những thứ nguy hại hơn, thì đó là biện pháp hữu hiệu để khỏi lo buồn vô ích, giữ được sự thăng bằng yên tĩnh trong tâm hồn, coi như vốn quý nhất của cuộc sống, và cũng là điều kiện cốt yếu để tìm được một giải pháp thích đáng nhất, khi gặp một hoàn cảnh khó khăn.
Đi sâu vào nội dung 5 điều "biết" trên, có thể nói ba điều đầu tiên (Tri ân, Tri đạo, Tri mệnh) là chủ yếu. Điều thứ tư (Tri túc) chỉ là một biểu hiện củ "Tri mệnh". Biết rõ khả năng và hoàn cảnh của mình sẽ chế ngự được lòng ham muốn triền miên, đem lại sự thất bại. "Tri đạo" cũng dẫn đến "Tri túc", vì khi đã phân định rõ "nên" hay "không nên" sẽ gạt bỏ lòng ham muốn vô độ, gây hại cho sự yên tĩnh của tâm hồn. Còn điều biết thứ 5 "Tri hạnh" cũng có thể coi như nằm trong "Tri mệnh": nhận biết rõ khả năng cá nhân và hoàn cảnh khách quan, sẽ biết chấp nhận hiện tại, thấy rõ rằng đau buồn không đem lại lợi ích gì mà còn phá rối cuộc sống. Tuy nhiên tách riêng hai điều biết này rất có lợi nếu không nói là cần thiết, để nhấn mạnh việc chống lại hai thói xấu rất thường thấy. "Tri túc" nhằm loại trừ lòng tham vô độ, đứng đầu trong "tam Độc" (tham sân si) của Phật giáo. "Tri hạnh" nhằm giải tỏa những phiền muộn bực dọc gắn liền với những chuyện vướng mắc khó tránh được trong sinh hoạt thường ngày.
Đối chiếu với "nhân trí dũng", ba đức tính chủ yếu của đạo Nho, đã được Khổng Tử nhắc tới hai lần như đã ghi trong Luận ngữ, có thể nói "nhân" nằm trong "tri ân", và "trí" nằm trong cả năm điều biết. Còn "dũng" thì bao hàm trong chữ "tri" ở cả "5 biết", với ý nghĩa hoàn chỉnh và tích cực của từ này: "biết" bao gồm cả thực hành, đã "biết" phải cố gắng "làm", nếu không thì chưa phải là thực biết.
Tóm lại, "năm cái biết" của Ngũ Tri Đường có thể coi như thâu tóm được dưới hình thức cô đọng cao độ, năm mặt chủ yếu của công phu tu dưỡng và thực hành để có được một cuộc sống chính đáng và hạnh phúc, tạo được sự hài hòa trong đời sống cá nhân, và cả sự hài hòa giữa cá nhân và xã hội. (1)
CHÚ THÍCH
(1) Ngoài "Ngũ tri" trong "Ngũ tri đường" của Nhậm Bố, còn có "Ngũ tri" khác của Lý Dịch, Ông này cũng sống dưới thời Tống, đỗ Tiến sĩ, làm quan có nhiều chính tích. Nhưng vì lâu năm chỉ ở tỉnh ngoài, không được về Kinh đô theo ý muốn, đã viết "Ngũ tri": Tri thời (biết thời thế), Tri nan (biết khó khăn), Tri mệnh(biết mệnh trời và mệnh mình), Tri thoái (biết rút lui), Tri túc (biết đủ). So với "Năm biết" trong Ngũ tri đường, "năm biết" của Lý Dịch phạm vi hẹp hơn, nhằm chủ yếu những người làm việc trong chính quyền, những quan lại dưới thời phong kiến, cần "biết rút lui" (tri thoái) để khỏi mang vạ vào mình.
Nguồn: http://www.hannom.org.vn/web/tchn/data/9801_a.htm