“HỌ DOÃN GIÁP NGÓI – NHỮNG GIÁ TRỊ VĂN HÓA VÀ LỊCH SỬ”
A. HỌ DOÃN TRONG LÒNG DÂN TỘC VIỆT NAM:
Ở Việt Nam có nhiều dòng họ. Mỗi tên họ có thể thờ tổ tiên khác nhau. Duy chỉ có họ Doãn trên toàn cõi Việt Nam thờ chung một tổ. Có nguồn gốc từ Chạ Kẻ Nưa. Nay là làng Cổ Định, xã Tân Ninh, huyện Triệu Sơn, tỉnh Thanh Hóa.
Tại Trung Quốc họ Doãn đứng thứ 95/6363 họ, ở Hàn Quốc họ Doãn đứng thứ 9/274 họ.
Theo cổ sử để lại về dòng họ Doãn ở xã Tân Ninh, Triệu Sơn, Thanh Hóa, cách đây 2000 năm từ thuở các vua Hùng dựng nước có 10 vị tiên công khai phá lập nên làng Cổ Định. Một trong 10 vị tiên công lập nên Chạ Kẻ Nưa, Nông Cống có một cụ tổ họ Doãn. Tại Dư địa chí của Phan Huy Chú còn ghi truyền đến ngày nay “Văn tế 10 vị tiên công làng Cổ Định”
Sơ canh khai phá
Thập vị tiên công
Lê, Hứa, Nguyễn, Hoàng
Doãn, Phan, Ngô, Trịnh
Viễn Sơn nhị định
Cận thủy tất thành
Thế thế quảng canh
Niên niên hưng vượng…”
Tạm dịch: Buổi mới khai phá
Mười vị đồng lòng
Lê, Hứa, Nguyễn, Hoàng
Doãn, Phan, Ngô, Trịnh
Xa núi mà định
Gần nước hẳn thành
Đời đời quảng canh
Luôn luôn hưng thịnh
Theo tài liệu của ban văn hóa xã Tân Ninh, thì họ Doãn vốn phát tích sớm nhất trong xã trước họ Lê Bật, Lê Đình 200 năm.
Đất Đồn Hầu làng Cổ Định là nơi có mộ tổ của họ Doãn Việt Nam từ thời các vua Hùng. Đồn Hầu là đất trú ngụ của nhiều người được phong hầu. Đồn Hầu hình lá cờ tung bay trước gió, chỉ ra rằng con cháu họ Doãn phải đi xa quê hương mới làm ăn phát đạt nên sự nghiệp lớn.
Theo hợp phả 1911 trong quá trình dựng nước và giữ nước các thế hệ họ Doãn có nhiều đóng góp.
Từ thời nhà Lý có cụ tổ Doãn Anh Khái (trang 227 Đại Việt sử ký toàn thư) đi sứ sang nhà Tống vào năm 1130 để giải quyết mối quan hệ bang giao đầy khó khăn giữa ta và nhà Tống. Sau khi Lý Thường Kiệt tấn công Khâm – Liêm và đánh bại quân Tống trên sông Như Nguyệt.
Cụ Doãn Tử Tư là trung vệ đại phu năm 1160 được cử đi sang Trung Quốc để hòa đàm.
Kỷ nhà Trần có các cụ tổ Doãn Băng Hài, Doãn Bang Hiến, Doãn Mậu Khôi, Doãn Uẩn, Doãn Khuê và nhiều cụ tổ họ Doãn đời sau có nhiều công lao to lớn đóng góp cho sự nghiệp bảo vệ đất nước.
Đời hậu Lê cụ tổ Doãn Nỗ có công lớn từ khi Lê Lợi khởi binh dựng nghiệp. Cụ là Khai quốc Công Thần” được phong thượng tướng quân Doãn Nỗ, mang quốc tính Lê Doãn Nỗ.
Thật đáng tự hào khi cụ tổ họ Doãn Giáp Ngói là hậu duệ của các bậc tổ tiên kể trên. Vì trong Cổ phả 1845 và 1926 bằng Hán – Nôm có ghi “Cụ tổ và các thế hệ đầu tiên được truyền lại là người Bắc Kỳ”
Trong hai cuộc kháng chiến hiện đại có cụ Doãn Tuế, trung tướng phó tổng tham mưu trưởng quân đội nhân dân Việt Nam, thiếu tướng Doãn Sửu…
Nhạc sỹ trung tá Doãn Quang Khải với nhạc phẩm “Vì nhân dân quên mình” trở thành bài hát truyền thống và nhạc hiệu phát thanh quân đội. Nhạc sỹ Doãn Nho với “Tiến bước dưới quân kỳ” dùng trong nghi thức đại lễ.
Về khoa bảng: Do mộ cụ Đại Nguyên tổ họ Doãn ở Đồn Hậu – Làng Cổ Định chiếm vị trí đắc địa. Nên con cháu các thế hệ họ Doãn đỗ đạt cao, có nhiều thành tích trong công danh và khoa bảng.
Trong đội ngũ tướng cầm quân giữ nước có nhiều cụ tổ thành danh. Trong hàng ngũ tướng công có nhiều bậc tổ tiên chiếm bảng đại khoa tiến sỹ.
Tại nhà thờ họ Doãn chi gốc Thanh Hóa có đôi câu đối
Khoa cử nối truyền theo quốc sử
Đường huyền thiên khải đối nam sơn
Truyền thống hiếu học của các thế hệ con cháu họ Doãn từ xưa vẫn được kế truyền tới các thế hệ ngày nay. Nhiều nhà văn hóa, nhà đất nước học, địa phương học, lĩnh vực giáo dục y tế nhiều người con gái có học vị tiến sỹ.
Trong tương lai nhất định khoa bảng con cháu họ Doãn Việt Nam sẽ rạng rỡ hơn trên đường phát triển của giáo dục nước nhà.
B. HỌ DOÃN GIÁP NGÓI XÃ LONG THÀNH – HUYỆN YÊN THÀNH – TỈNH NGHỆ AN:
I. VỊ TRÍ ĐỊA LÝ:
Cách Hà Nội về phía nam 250 km, cách Thành phố Vinh hướng Tây Bắc 55 km. Nằm giữa hình vuông tạo bởi quốc lộ 1, quốc lộ 38, quốc lộ 7A, cạnh quốc lộ 48E nối Vinh qua quốc lộ 7A tới Thị Trấn Yên Thành có một xóm nhỏ là Giáp Ngói. Tên cũ Thổ Ngọa Giáp (Hán tự: Thổ đất, thổ nhưỡng, Ngọa nằm. Ngọa: Viên ngói ngọa, ngói âm có sống cao ở giữa).
Thổ ngọa là một dải đất bằng phẳng nằm theo chiều Đông Tây. Dải đất Giáp Ngói giống như một viên ngói âm. Chính giữa có sông đất cao. Từ xưa đến nay vẫn được cổ nhân xem là địa mạch của khu vực.
Ngày xưa “Làng” là đơn vị hành chính thấp nhất của Nhà nước phong kiến. Làng có thế lực mạnh về ruộng đất và dân số. Dân của làng gọi là Kẻ. Long Thành có 3 làng, trong đó có làng Phú Khang. Sau này gọi là làng cả Phú Thọ. Dân Phú Khang gọi là Kẻ Xoang.
Nhỏ hơn làng phụ thuộc vào làng là Giáp. Giáp là tiếp Giáp, liền kề. Còn được gọi là Cồn, Chòm, Xóm.
Làng cả Phú Thọ có 4 giáp phụ thuộc giáp Vạng, giáp Nông, giáp Già, giáp Ngói còn được gọi là Cồn Ngói, xóm Giáp Ngói, chòm Giáp Ngói. Giáp Ngói cũ (tên là giáp Thổ Ngọa).
Phía đông là Đầu Cồn, Cồn Điêu. Nay là trụ sở của UBND xã Long Thành và trường cấp 2 Long Thành.
Phía đông Giáp Ngói là nơi gặp nhau của dòng sông Bùng từ Diễn Châu lên với sông Dinh ở phía bắc xuống. Sông Bùng uốn sát Giáp Ngói. Được gọi là Ngọa Giang tạo nên một giải đất hẹp hình quả bầu trắng, được gọi là đồng Cổ Bù. Dòng sông là nơi có bến nước tắm giặt, sinh hoạt của nhân dân. Tuổi thơ nhiều thế hệ Giáp Ngói gắn chặt với bến nước dòng sông này. Nước thủy triều lên xuống quanh năm. Khi thì đầy dòng trong vắt, lúc thì cạn kiệt đục ngầu. Mùa lụt nước ngập mênh mông. Ngày xưa muốn sang sông, người ta bắc cầu đòi nối bằng tre.
Khi nghiên cứu về Giáp Ngói cũ có một điều rất thú vị đặt ra. Tại sao Thổ Ngọa là một giáp nhỏ mà có nhiều mả tổ ở nơi khác, làng khác đem đến chôn ở đây.
Trước những năm 60 thế kỷ trước phía đông Giáp Ngói sát với Cồn Điêu có mả tổ họ Dương, họ Mai, họ Vũ làng Phú Thọ. Họ Phan Nhân Thành, phía nam có mả tổ Trang hói của họ Nguyễn Nhân Thành. Mỗi mả tổ được xây dựng bằng đá ong nâu thẫm hoặc có tre bao bọc xung quanh. Mỗi mả tổ chiếm diện tích một sào, sau này khi quy tập có mả tổ được táng trong chiếc thuyền đi biển bằng gỗ tốt có đinh nối.
Điều này chứng tỏ Giáp Ngói có giá trị địa linh hoặc là nơi tranh dành ảnh hưởng. Phía đông và đông bắc có đập Diệc, đập Hóp ngăn nước sông Dinh để phục vụ nước cho nông nghiệp và thủy lợi khác.
Phía bắc là đồng Xưởng phì nhiêu rộng lớn. Phía tây là làng Điện Yên. Phía nam liền kề là Giáp Vạn. Gọi là Giáp Vạn vì dân ngụ cư di cư từ vùng biển Quỳnh Lưu, Diễn Châu lên. Chủ yếu là con cháu họ Hồ, họ Nguyễn, phía nam Giáp Vạn là Thủ Bổn. Đây là Giáp thuần tộc, chỉ có con cháu họ Phạm. Ba giáp Ngói, Vạn, Bổn tạo thành một cụm dân cư.
II. NGUỒN GỐC HỌ DOÃN GIÁP THỔ NGỌA:
Biên niên lịch sử, những nhân vật in đậm dấu ấn.
1. Hàng năm vào tháng quý đông con cháu các thế hệ họ Doãn lại tưng bừng kỷ niệm ngày đức tổ Doãn Ngôn lập giáp Thổ Ngọa vào năm 1755.
Theo cổ phả Hán – Nôm 1845 và 1926 để lại thì Cụ tổ Dương Quý Nhân tên chữ Dương Văn Hành chức vụ quốc tử giám, giám sinh, hiệu lạc đạo tiên sinh được vua ban 2 chữ “Hoàng Thị” là cha nuôi cụ tổ Doãn Ngôn.
Cổ phả 1845 ghi Đức tổ Doãn Ngôn sinh năm Ất Dậu 1705 thời kỳ Lê Trung Hưng. Năm 1710 bị lạc đường, không rõ ở tổng xã nào tại Thanh Hóa, Hải Dương, Hà Đông hay Hà Nội, cổ phả chép “Tổ ta nguyên người Bắc Kỳ ở quận Hải Dương, nay đổi thành tỉnh Hà Đông”.
Trước khi có cụ Doãn Ngôn, cụ tổ Dương Quý Nhân đã có 3 bà vợ nhưng chưa sinh đẻ lần nào. Sau khi có cụ Ngôn, cả ba bà cụ Dương đều sinh cả trai và gái. Vì thế cụ Doãn Ngôn không những được nuôi nấng, dạy dỗ khôn lớn trưởng thành nên gia thất mà còn được học hành tử tế. Nên khoa thi năm Mậu Ngọ 1738 đời vua Lê Ý Tông, niên hiệu Vinh Hựu năm thứ 4. Doãn Ngôn thi hương lần thứ 2 và đậu Hương Cống. Cổ phả chép sự kiện này như sau: “Thái Thị Tổ tiền Lê Triều Hương Cống – Tự Doãn Ngôn”.
Cụ tổ Doãn Ngôn và bà chính Thất Vũ Thi hiệu Từ Tạo sinh năm con trai: Doãn Dĩ (1730); Doãn Não (1731); Doãn Nặc (1734); Doãn Quýnh (1736); Doãn Xoan (1742). Khi cụ tổ Ngôn đỗ Hương Cống, cụ Dương Quý nhân được bổ làm quan giám sinh quốc tử giám.
Từ đây (Canh Ngọ 1750) cụ tổ Ngôn thay cha làm lý trưởng làng Phú Khang và tiếp tục mở lớp dạy học chữ nho.
Nhìn thấy làng Phú Khang ít đất canh tác, vào năm Tân Mùi 1751 cụ tổ Ngôn đưa gia đình xuống phía đông, cách Phú Khang 2 dặm. Bắt đầu sự nghiệp “Khai sơn phá thạch” lần thứ nhất. Lập nên Giáp Vạng thuộc làng Phú Khang. Nay là xóm Trung Hậu, xã Nhân Thành. Do có thành tích khai phá một vùng rộng lớn khi làm lý trưởng làng Phú Khang, mở lớp dạy học chữ nho trong vùng, vua ban lọng vàng, áo đỏ và 44 mẫu ruộng quân điền vùng Thổ Ngọa, phía tây làng Phú Khang cho cụ tổ Ngôn. Nhằm thực hiện chính sách ruộng đất quân điền thời bấy giờ của nhà Lê. Gọi là chính sách ruộng đất “đàng ngoài”.
Vào năm 1755 để lại người con trai thứ 3 Doãn Nặc phụng dưỡng cha mẹ và em. Còn mình đưa gia đình lên đất Thổ Ngoa tiếp tục sự nghiệp “Khai sơn phá thạch” lần thứ hai, lập nên giáp Thổ Ngọa thuộc làng Phú Khang. Tức Giáp Ngói cũ thuộc làng cả Phú Thọ sau này.
Từ chỗ chỉ một vùng đất hoang sơ, hẻo lánh Đức tổ đã cùng các thế hệ con cháu biến Thổ Ngọa thành một giáp. Tuy chưa phải là một “Làng Việt tối cổ”, nhưng Giáp Ngói cũ phát triển mang đầy đủ tinh thần nhân văn và bản sắc văn hóa làng của nền văn minh lúa nước Việt Nam.
* Chung quanh làng có lũy tre bao bọc (các giáp liền kề không trồng tre, chỉ trồng cây gừa nước).
* Phía đông có bến nước, lợi dụng lưu vực nước ngọt sông Dinh, sông Bùng để tắm giặt, sinh hoạt và thủy lợi.
* Có đình để hội họp bàn việc làng, việc nước, các giáp liền kề không có.
* Có điểm ở phía đông và phía nam để canh gác và tế cô hồn vào rằm tháng 7, xá tội vong nhân.
* Có đền Thổ Ngọa – Giáp Ngói để thờ thành hoàng và các vị thần vua phong.
* Có truyền thuyết đuốc trời tạo nên “Hố thiên hỏa”, có truyền thuyết quạ khoang cổ xanh cùng thần áo đỏ đuổi trâu giữ đất đồng Nghè.
* Có truyền thuyết và lời nguyền về cụ mãnh tổ Doãn Chấp. Khi mang hài cốt cụ về quê.
Tiếng lành đồn xa, khi con cháu họ Doãn được 7 thế hệ tại Thổ Ngọa, con cháu các dòng họ khác từ Phú Thọ, Nhân Thành, Xuân Thành, Phúc Thành xin về đây sinh sống. Tạo cho Thổ Ngọa thành một giáp quần cư nhiều dòng họ.
Do những đóng góp to lớn của Đức tổ Doãn Ngôn cho xứ sở ngày 20/2/1891 Thành Thái năm thứ 2 vua chuẩn y công lao của cụ tổ Ngôn. Vua công bố Cụ tổ Doãn Ngôn là thành hoàng bản xứ. Một vị thần linh ứng. Được vua nâng lên “Dực Bản trung hưng linh phù chi thần” là vị thần bảo vệ và làm phát triển Nhà nước phong kiến Trung ương.
Sắc vua Thành Thái phong cho Đức tổ Doãn Ngôn. Bản phiên âm:
Sắc: “Nghệ An tỉnh, Đông thành huyện, Tiên thành xã, Phú Thọ làng, Thổ Ngọa giáp Bản tộc khâm mệnh”.
Phụng sự thành hoàng kiểm sát chi thần ( ) Nẫm trứ linh ứng hướng lai. Vị hữu dự phong. Tứ kim phi thừa cảnh mệnh diến niệm thần hữu trước phong vị
Dực Bảo trung hưng linh phù chi thần. Chuẩn y cựu phụng sự.
Thần kỳ tương hữu bảo ngã lê dân. Khâm tai
Thành Thái nhị niên, nhị nguyệt, nhị thập nhất.
Bản dịch:
Nghệ An tỉnh, Đồng Thành huyện, Tiên Thành xã, Phú Thọ làng.
Phụng sự thành hoàng kiểm sát chi thần. Từ trước đến nay là vị thần linh ứng.
Luôn hướng đến tương lai. Nhưng mãi tới nay chưa có được giữ phong. Chưa được phong sắc đánh giá công lao to lớn của một vị thần.
Nay đang là lúc mệnh sáng của vua. Thời buổi thái bình thịnh trị, làm ta nhớ đến phúc thần. Sắc phong: “Dực bảo trung hưng linh phù chi thần”.
Sắc chỉ chuẩn y phụng sự như cũ.
Vua giao việc thờ phụng phải nghiêm kính. Để ngài luôn nghĩ đến và bảo hộ lê dân. Khâm tai.
Thành Thái năm thứ hai, ngày 20/2/1891.
Thổ Ngọa Giáp, Bản tộc phụng tự
Sắc của Hoàng đế Duy Tân phong cho đức tổ Doãn Ngôn.
Sắc chỉ: Nghệ An tỉnh, Đông Thành huyện, Tiên Thành xã, Phú Thọ làng.
Tòng tiền phụng sự: “Dực bảo trung hưng
Linh phù, bản xứ thành hoàng, chi thần.
Tiết kinh phần hạp.
Sắc phong: Chuẩn kỳ phụng sự. Duy Tân nguyên niên, tấn quang đại lễ, kinh phần bảo chiếu, tất ân lễ long đăng trật. Đặc chuẩn y cựu phụng sự, Dụng chi quốc khánh chi thần tự điển.
Khâm tai
Sắc mệnh chi bảo
Duy tân tam niên, bát nguyệt, thấp nhất nhật.
Thổ Ngọa giáp, bản tộc phụng tự
Bản dịch: Sắc của Hoàng đế Duy Tân.
Sắc chỉ: Nghệ An tỉnh, Đồng Thành huyện, Tiên Thành xã, phú Thọ làng.
Nối theo từ trước đến nay đã thờ phụng. “Dực Bảo trung hưng. Bản xứ thành hoàng chi thần ( ).
Thành hoàng bản xứ khí tiết cao đẹp. Được nhân dân kính trọng.
Nay sắc phong: Chuẩn cho để thờ phụng theo đúng luật lễ, thường kì, nghiêm kính.
Nhân dịp năm đầu vua Duy Tân lên ngôi cử hành đại lễ tấn quang. Vua ban báo chiếu lớn lao sáng sủa. Tỏ rõ ân sâu. Đặt chuẩn đặc biệt phụng sự như cũ. Tổ chức đại lễ long trọng. Thăng thưởng lên bậc. Đến quốc Khánh thắp hương tại điện thờ phụng. Để ghi nhớ sự kiện trọng đại này của đất nước và làm sáng tỏ huy hoàng điện thờ.
Sắc mệnh phải được chấp hành nghiêm kính
Duy Tân năm thứ 3 ngày 11/8/1909
Thi hành kịp thời lệnh vua
Thổ Ngọa giáp. Bản tộc phụng tự
Như vậy từ ngày tổ ấu thất lạc quê hương cội nguồn, lìa cha mẹ ra đi. Đến đây không những trở thành Thái tổ khảo của một dòng họ lớn ở Phú Giang ngọa tháp mà cụ tổ còn 2 lần được vua phong sắc. Công nhận cụ tổ Doãn Ngôn là thành hoàng bản xứ linh thần được vua nâng lên thành.
“Dực bảo trung hưng linh phù chi thần”
Cụ tổ Doãn Ngôn mất ngày 21 tháng chạp âm lịch năm 1787. Táng tại Cồn Điêu xứ. Do sinh thời cụ đỗ Hương cống, nên tục gọi là “mả Ông Cống”, “mộ Ông Hương Cống”.
Trong văn tế tại nhà thờ lớn họ Doãn vẫn lưu truyền từ trước đến nay khi đọc “Kính thỉnh bản xứ dáng ứng tối linh tôn tổ”. Tiền triệu cơ khai khẩn phong thổ địa dư chiêu dân, lập nghiệp. Sắc phong mỹ tự “Tối linh hương đẳng thần thánh tiền”. “Tái gia đặng thượng thượng đẳng thần thánh tiền”.
Dù chưa được bảng vàng bia đá, nhưng đây là sự đánh giá xứng đáng nhất của các thế hệ trong họ trong vùng với đức thái tổ Doãn Ngôn.
Tại nhà thờ cụ Dương quý nhân Giáp vạng có đôi câu đối.
Doãn môn điềm trong biên niên thịnh
Dương tộc từ đường kế thế tôn
Vinh quang đời đời thuộc về Đức Thái tổ Doãn Ngôn. Người đã lập nên Giáp Thổ Ngọa xưa, để con cháu các thế hệ ngày nay thừa hưởng.
Kính thưa quý vị và bà con!
2. Tại nhà thờ lớn họ Doãn còn lưu giữ từ xa xưa đến nay đôi câu đối.
- Trung ư quốc, hiếu ư dân, kế thế quang vinh, hoàn tổ nghiệp.
(Trung ở nước, hiếu ở dân, các thế hệ nối nhau làm vinh quang sự nghiệp tổ tông).
- Chí như sơn, tâm như kính, vĩnh truyền đức hậu cựu gia phong.
(Ý chí vững như núi, tâm sáng như gương, mãi mãi lưu truyền cho đời sau đạo đức và nền nếp gia phong).
Theo bước chân các bậc tiền nhân, 12 đời con cháu họ Doãn luôn luôn thể hiện tấm lòng trung trinh với tổ quốc. Ngay từ buổi đầu “Áo vải cờ đào” họ Doãn giáp Thổ Ngọa đã có 2 cụ tổ Doãn Dĩ, Doãn Não đứng dưới cờ nghĩa quân Tây Sơn – Nguyễn Huệ góp phần nhỏ bé cho sự nghiệp thống nhất đất nước lần đầu tiên của dân tộc.
Trong cổ phả Hán nôm 1845 trang 22.
Còn ghi rõ: “Nhị công thị tổ chi trưởng tử Doãn Dĩ, Doãn Não, ngụy Tây Sơn. Niên gian vi Nguyễn Cầu tặc. Sở cầm luân dịch sử tích”
Tạm dịch: “Hai ông Doãn Dĩ, Doãn Não là tổ dòng trướng, theo nhà Tây Sơn. Năm đó vì đánh nhau với giắc Nguyễn Cầu phái nhà vua. Bị bắt giam, bỏ mất sự tích”.
Những đóng góp to lớn nhất từ Tây Sơn – Nguyễn Huệ đến Hoàng đế Quang Trung phải kể đến cụ mãnh tổ đời thứ 3 Doãn Chấp. Tại Cổ phả hán nôm 1845 và 1926 cụ Doãn Văn thừa sao và viết lời tựa “Kinh nghe” có câu: “Họ ta sớm dựng nền văn sơn. Gặp thời nhiễu nhương mà trở nên thế gia vững bền phiệt duyệt. Từ tằng tổ phụ đến nay đã một thời gác bút ra chiến trường lập công giữ nước. Tổ tông mở đầu và bồi đắp cho chúng ta”.
Đây chính là lời đề tặng cho cụ mãnh tổ Doãn Chấp – Người nho sinh gác bút ra chiến trường đã được Hoàng đế Quang Trung năm 1792 sắc phong “Phụ quốc trí dũng hùng anh, kiểm sát đại thần”.
Đó là sự đánh giá to lớn rực rỡ của Nhà nước phong kiến trung ương đối với cụ tổ Doãn Chấp đã theo Tây Sơn từ buổi đầu cho đến khi Quang Trung đánh tan quan mãn Thanh làm nên sự thống nhất đất nước lần đầu tiên của dân tộc.
Trong hồ sơ “Khoa học di tích nhà thờ họ Doãn của Ban quản lý di tích và danh thắng. Sở văn hóa thể thao và du lịch Nghệ An có ghi: “Cuối năm Nhâm Tý 1792 Hoàng đế Quang Trung đột ngột qua đời, Doãn Chấp phò vua Quang Toản tiếp tục sự nghiệp nhà Tây Sơn. Trong một trận đánh nhau với quân Nguyễn Ánh, cụ Doãn Chấp đã anh dũng hy sinh vào ngày 21 /7 âm lịch không rõ năm nào”.
Sau đó năm 1796 Hoàng đế Cảnh Thịnh công bố “Cố sắc” của Hoàng đế Quang Trung. Phiên âm cố sắc của Hoàng đế Quang Trung. Cố sắc.
Nghệ An tỉnh, Đồng Thành huyện, Tiên Thành xã, Phú Khang làng, Thổ Ngọa giáp, bản tộc phụng tự.
Bản thổ thị điện. Phụ quốc trí dũng hùng anh. Kiểm sát đại thần.
Âm dương dục tú. Nhạc độc chung linh. Thị phật kiến. Thính phát văn. Dương hồ tại thượng. Cảm tất thông. Cầu tất ứng. Trạc nhi quyết linh. Ký đa tý hộ vị công. Cái cử hoài nhu thịnh điển vi. Hoàng gia chi thừa phi chữ. Lê hữu đăng trật. Ứng gia phong mỹ tự. Nhất tự “KHẢ” gia phong, bản thổ thị điện “Phụ quốc trí dũng hùng anh. Kiểm sát đại thần linh ứng”.
Cảnh thịnh, tứ niên, ngũ nguyệt
Nhị thập, nhất nhất
Bản dịch
Sắc chỉ:
Lập điện thờ tại bản quán cho “Phu quốc trí dũng hùng anh. Kiểm sát đại thần”.
Ngài là đấng phò vua, giúp nước, dũng cảm anh minh hào kiệt. Ngài là sự hun đúc nguyên khí âm dương đất trời non nước. Ngài thiêng liêng vững chãi như ngọn núi đứng riêng một mình hùng vĩ. Ngài được nhìn thấy như một ông phật. Được nghe thấy như một áng văn trong sáng. Xem ra sự lớn lao cao cả của ngài xứng đáng được tôn vinh ở bậc cao bề trên. Ngài là một vị quan trong điện thờ nhà vua.
Ở ngài ta cảm nhận được sự thông tuệ mẫn tiệp. Nghĩ đến Ngài ta thấy mình anh minh sáng suốt. Cầu đến Ngài ta được sự tất ứng linh thiêng hiển hiện.
Ngài xứng đáng được hưởng ân điển của Hoàng gia. Ngài là tấm gương sáng cho con cháu vươn lên noi theo, phấn đấu lập công lớn lao như Ngài vì đất nước.
Nay vâng mệnh Hoàng thượng quá cố, đương triều Hoàng thượng sắc chỉ:
Tổ chức long trọng lễ thưởng công lao và thăng hạng thêm một bậc. Đồng thời ban mỹ từ đẹp nhất. Một chữ “Rất” xứng đáng phong thần “Phụ quốc trí dũng anh hùng. Kiểm sát đại thần linh ứng” tại bản thổ thị điện.
Khâm mệnh Hoàng đế quá cố
Hoàng đế Cảnh Thịnh năm thứ 4 ngày 21/5/1976.
Tỉnh Nghệ An, huyện Đồng Thành, xã Tiên Thành, làng Phú Khang, Ngọa phàm, bản tộc phụng tự.
Cụ mãnh tổ Doãn Chấp mạc trận vong ở phía nam so với quê hương ông. Theo lời cổ nhân kể lại khi đưa hài cốt cụ mãnh tổ đã linh ứng chỉ ra ngôi mộ của mình. Không cho con cháu rắc hương vàng dọc đường chọn đất để đặt hài cốt mình ở quê. Và có lời nguyền, dặn con cháu trong họ, trong vùng “Tại bản quán hay dọc đường xa quê gặp nạn. Ngoảnh mặt về nam, khấn tên cụ sẽ được cứu giúp”.
Sự tất ứng linh thiêng của cụ mãnh tổ Doãn Chấp đã được con cháu họ Doãn trước đây và ngày nay cảm nhận, minh chứng.
Lăng của cụ mãnh tổ hiện được bảo quản giữ gìn cùng với lăng bà nội cụ tại khu mả tổ Vườn chè trên diện tích 1035 m2. Đất do các đời tổ họ Doãn để lại.
Từ xa xưa đến trước CĐRĐ họ Doãn Giáp Ngói được cấp 2 sào ruộng ở xứ đồng Lò Ngói để con cháu trong họ cày cấy làm giỗ tế cụ tổ Chấp vào ngày 21/7/ âm lịch. Gọi là giỗ “Ông lính”.
Sau CĐRĐ ruộng không còn nữa, con cháu làm giỗ cụ vào trưa rằm tháng 7 âm lịch. Những năm gần đây, khi kinh tế phát triển, con cháu trong họ lại làm giỗ cụ mãnh tổ “Ông Lính – Doãn Chấp” và tế vong hồn 4 thế hệ liệt sỹ là con cháu trong họ đã hy sinh quên mình vì tổ quốc.
Từ đầu thế kỷ XX đến nay:
3. Ông: Doãn Văn:
Đời thứ 7 ngành trưởng, sinh năm Mậu Dần 1898. Cha là ông Doãn Bá, mẹ là bà Lê Thị Điệu. Hai ông bà chỉ sinh một con trai là liệt sỹ Doãn Văn.
Trong phú tử vi của ông Doãn Văn có câu:
Nhất thì sống được 33 (33 tuổi).
Nhì thì 27 thầy ra huyện Quỳnh (chết)
Câu phú này thường được ông Doãn Giá thỉnh thoảng ngậm ngùi ngâm nga một mình.
Sau đó vào năm 1963 cung cấp cho chúng tôi tự làm tư liệu viết về liệt sỹ Doãn Văn.
Biết đời mình như vậy ông Văn không lấy vợ. Chỉ dạy học chữ nho, chăm lo cho lớp trẻ khôn lớn trưởng thành. Vì vậy người ngoài họ gọi ông là thầy học, chữ thầy học, thơ thầy học, thương thầy học. Tất cả đều nói về ông Doãn Văn.
Mọi sự so sánh đều khập khiểng. Nhưng có thể nói cụ Doãn Văn như Từ Hải đương thời của vùng này “Chọc trời khuấy nước, dọc ngang”. Dạy học chữ nho, viết đẹp, thông tuệ, sắc sảo và nhạy bén với thời cuộc.
Nối bước tiền nhân, ngày 8/2/1931 ông Doãn Văn cùng các ông Doãn Trương, Doãn Giá, Doãn Lương bí mật thành lập chi bộ Đảng cộng sản Đông Dương tại nhà thờ họ Doãn Giáp Ngói.
Trước ngày cờ đỏ búa liềm tung bay trên cây đa đền Thổ Ngọa hiệu triệu quần chúng sang huyện đường biểu tình, ông Doãn Văn đi vào Thanh Chương, Nam Đàn nhận Đảng sự.
Sau khi quân của Bát Khánh – Lý trưởng làng cả Phú Thọ, bao vây đánh phá chi bộ Đảng, bắt những đảng viên cộng sản Giáp Ngói như Doãn trương, Doãn Giá, Doãn Lương giam cầm, tra tấn tại huyện đường Yên Thành, ba ngày sau ông Doãn Văn trở về. Ông Doãn Văn tự sang huyện đường tại huyện cũ (xã Hợp Thành ngày nay) nói với ông Doãn Giá “Cứ đổ tội cho nha (cho tôi) mà về. Các chú còn vợ con, lo củng cố lấy chi bộ và giữ vững phong trào”.
Ông Doãn Văn gặp tri huyện Yên Thành thời đó là Nguyễn Hoán và nói “Tất cả là do tôi. Văn này nhận hết”.
Ông Doãn Văn và nhiều người cộng sản Yên Thành thời đó trong phong trào Xô Viết Nghệ An đã hiên ngang đi ra pháp trường chấp nhận án tử hình vào ngày 6/5/1931.
(19/3 Tân Mùi) với giá trị nhân văn to lớn để lại cho hậu thế mai này “Dân tộc Việt Nam đã có Đảng cộng sản Đông Dương lãnh đạo”.
Trước họng súng quân thù ông Doãn Văn còn chỉ tay xuống rốn và nói “Bắn à? Bắn cái này này” và hô to “Đảng cộng sản Đông Dương Vạn Tuế”.
Ông Doãn Văn bị xử bắn lúc 33 tuổi. Trùng hợp ngẫu nhiên với phú tử vi.
Xác của ông Doãn Văn, Doãn Trương được 2 đảng viên thời đó Doãn Giá, Doãn Lương vận động bà con trong họ lấy danh nghĩa quan môn (tức học trò) đưa về đặt tại gốc cây đa đền Thổ Ngọa và đem đi mai táng ở nghĩa địa đầu Cồn (nay là trụ sở của Đảng ủy, UBND xã Long Thành).
Ngày 19/7/1961 Thủ tướng Chính phủ nước Việt Nam dân chủ cộng hòa Phạm Văn Đồng tại quyết định số 293/QĐ-TTG đã ký bằng Tổ quốc ghi công cho liệt sỹ Doãn Văn – Bí thư chi bộ Đảng cộng sản Đông Dương K.V.Đ. Đã hy sinh cho tổ quốc trong khi đấu tranh cách mạng ngày 19/3/1931.
Sau khi được công nhận liệt sỹ hài cốt 2 ông Doãn Văn, Doãn Trương được quy tạp về nghĩa trang liệt sỹ Giáp Ngói tại Cồn Mương cùng với các liệt sỹ khác.
Ngày nay các liệt sỹ trên được yên nghĩ tại nghĩa trang liệt sỹ Yên Thành. Không phải vô tình mà từ năm 1930 -1931 người ta nói cây đa đền Giáp Ngói là “Đất cắm cờ cộng sản” và 4 đảng viên cộng sản thời đó: Doãn Văn, Doãn Trương, Doãn Giá, Doãn Lượng là những “Người cầm cờ cộng sản”.
Vinh quang đời đời thuộc về các cụ Doãn Văn, Doãn Trương đã ngã xuống vì tương lai tươi sáng của dân tộc, ghi đậm dấu ấn lịch sử cho họ Doãn.
Đó là giá trị nhân văn to lớn huy hoàng khi nghiên cứu về họ Doãn Giáp Ngói.
Bút tích để lại của ông Doãn Văn
Chúng tôi đang lưu giữ “Bản gia phả Hán – Nôm do ông Doãn Văn để lại.
Sau khi sao lục “Bài tựa gia phả họ Doãn” do cụ tổ đời thứ tư Doãn Phu (tức Doãn Hợp) viết vào Thiêu Trị năm thứ 5 ngày 20/4/1845 với ý chính “Con người sinh ra là ở tổ. Có họ phải có phổ”. Ông Doãn Văn viết lời tựa “KÍNH NGHE” vào Bảo Đại nguyện niên tháng giêng 1926. Chúng tôi xin dịch lời tựa đó như sau:
Kính nghe
Có họ ắt có phổ.
Phổ để ghi nhớ từ mỗi nhà. Thế thứ xa gần. Tên chữ trước sau. Người xưa xử thế trước hết phải có tinh thần, có huyết thống. Biết uống nước sông phải nhớ đầu nguồn. Ăn quả phải biết đắp bồi cây cối. Nhất thiết phải tra cứu từ gia đình làm gốc. Ghi phổ đầy đủ tường tận. Ghi phổ lấy gia đình làm tiêu chuẩn. Con cháu hàng nghìn đời cội rễ sâu bền, thì lá cành tươi tốt. Sổ gốc mà đầy đủ phân minh. Con cháu hiểu biết đầy đủ tường tận. Nói ra từ miệng, ghi nhớ trong lòng. Biết ngày giỗ tổ tiên. Xuân tự thu thường. Khói hương cung kính. Phải nhớ cội nguồn. Không bao giờ lãng quên các bậc tiên tổ.
Cụ tổ và thế hệ đầu tiên được truyền lại nguyên là người Bắc Kỳ. Quận Hải Dương tức là tỉnh Hà Đông.
Thời đó tổ còn thơ ấu, Cụ Trần Lãnh Tuyển trên đường đi gặp tổ ấu đưa về làng được cụ Dương giám sinh nuôi dạy cho học hành tử tế. Trưởng thành nên gia thất sinh hạ con cháu đông đàn. Cho đến nay rất phồn thịnh biết bao đời. Họ Doãn chúng ta cùng Dương công lệnh tộc có lòng giúp rập nuôi nấng. Ơn ấy thật sâu nặng. Nếu không có gia phả ghi lại rõ rành thì con cháu đời sau mơ mơ màng màng. Ai dẫn dắt để biết sợi dây nối dõi. Ai mở ra từ đầu để đến các dòng phái hôm nay. Con cháu được đi vào rừng nho bể học sáng mắt, sáng lòng. Thật con cháu hôm nay và mai sau phải ngưỡng mộ, kế thừa tổ tiên.
Gia ấm họ ta sớm dựng nền văn sơn. Gặp thời nhiễu nhương mà trở nên thế gia vững bền, phiệt duyệt. Từ tằng tổ phụ đến nay đã một thời gác bút ra chiến trường lập công giữ nước. Tổ tông mở đầu và bồi đắp cho chúng ta. Con cháu kế thừa sao dám quên sự ghi chép lâu dài. Phải nhớ rằng tổ tiên ta đã vượt qua mọi gian khó, chông gai để xây dựng nên một dòng họ có con cháu tốt đẹp thông minh tài giỏi. Xứng đáng là một lệnh tộc, một dòng họ có tầm cao lớn ở Phú Giang, Ngọa Tháp.
Sông núi phong quang. Nhớ đến tổ tiên mà viết bài này.
Bảo Đại mùa xuân năm đầu.
Nguyên đán, tháng giêng
Trưởng tôn cháu 7 đời Doãn Thường phụng tự.
Thứ đường cháu 7 đời Doãn Văn kính soạn.
Quyển gia phả Hán –Nôm là bút tích cuối cùng của ông Doãn Văn để lại cho họ Doãn. Nó có giá trị to lớn như một báu vật, có một không hai của họ. Chỉ có thể viết lại sao chép lại bằng bút. Nhưng không thể chụp phô tô được. Vì giấy cũ mỏng, xấu và thời gian quá lâu nên cũ nát.
Mong con cháu hết sức trân trọng giữ gìn.
Bài thơ tuyệt mệnh của cụ Doãn Văn:
Sự tra tấn giã man trong tù đối với ông Doãn Văn và các đồng chí của Ông không bàn đến. Án tử hình đã định.
Tri huyện Yên Thành thời đó là ông Nguyễn Hoán. Nguyễn Hoán khét tiếng đàn áp phong trào và tiêu diệt cộng sản. Một hôm Nguyễn Hoán nói với Doãn Văn “Đường nào rồi cũng chết. Thôi thì làm thơ vậy. Sắp chết thì làm thơ vậy”. Nghe thế Doãn Văn ứng khẩu lập tức một bài thơ tứ tuyệt.
Thơ và đời
Muốn thơ, thơ với sợ chi mồ
Chán sức ăn chơi chữ đổ bồ
Nền nếp Ông cha còn để lại
Văn này, há dễ sợ thằng mô
Đây là bài thơ cuối cùng. Xem như bài thơ “tuyệt mệnh” của cụ Doãn Văn. Là lời nhắn gửi cuối cùng để lại cho hậu thế. Dẫu biết ngày mai đi ra pháp trường vẫn kiên cường bất khuất. Vẫn giữ một phong thái ung dung tự tại. Vẫn thể hiện một khí phách hào hùng.
Thi hứng với phong hoa, tuyết nguyệt trăng tỏ sao mờ, sương rời đất lạnh, người ta mới làm thơ. Còn cụ Doãn Văn thì làm thơ trong tù khi hai chân bị cùm. Dẫu biết ngày mai đi ra pháp trường xử bắn. Trước lưỡi lê và họng súng quân thù mà sao Cụ can trường làm vậy. Mà sao Cụ tao nhân mặc khách làm vậy.
“Thơ và đời” đã chỉ rõ “Con chim báo bão Doãn Văn” xuất hiện. Sải cánh chấp nhận bão tố, sấm sét để thét lên. “Bão đến! bão đến!” Đó là khí phách con người thật của người cộng sản Doãn Văn. Một tấm gương cộng sản sáng ngời soi vào hậu thế mai này. Rất Doãn Văn.
Xin kính cẩn nghiêng mình dâng lên trước linh hồn cụ.
4. Ông Doãn Trương sinh năm 1887. Anh em thúc bá với ông Doãn Văn. Nhà ở liền kề trong cùng một vòng đất.
Ông Doãn Trương cùng các ông Doãn Văn, Doãn Giá, Doãn Lương bí mật thành lập chi bộ Đảng cộng sản Đông Dương tại nhà thờ họ Doãn ngày 8/2/1931. Trong Đảng Doãn Trương được phân công gây quỹ hoạt động và giao thông trên nhằm che mắt bọn mật thám Doãn Trương lợi dụng nghề nấu rượu của gia đình để đi lại làm giao liên, móc nối với các đảng viên ở các làng khác, xã khác. Ông thường đi xa mua lúa, ngô, sắn về nấu rượu cũng như gánh rượu đi bán ở làng khác, xã khác. Thực chất những chuyến đi đó là những lần ông đi làm nhiệm vụ. Nhờ thông minh gan dạ nên nhiều lần Doãn Trương đã thoát khỏi vòng vây của bọn lý trưởng phu tuần để bảo vệ an toàn các tài liệu quan trọng của Đảng.
Trong thời kỳ 1930 -1931 nhà riêng của ông Doãn Trương được sử dụng làm nơi cất dấu máy móc, tài liệu, truyền đơn, cờ búa liềm. Ngày 28/2/1931 lý trưởng làng cả Phú Thọ bao vây Thổ Ngọa đánh phá chi bộ cộng sản. Chúng bắt các đảng viên Doãn Trương, Doãn Giá, Doãn Lương. Lục soát nhà Doãn Trương chúng tìm thấy nhiều tài liệu của Đảng và cờ búa liềm. Vì tội này ngày 6/5/1931 ông Doãn Trương đã bị xử tử hình cùng với những đồng chí khác của ông.
Ngày 19/7/1961 Thủ tướng Chính phủ nước Việt Nam DCCH Phạm Văn Đồng ký tặng bằng tổ quốc ghi công cho liệt sỹ Doãn Trương giao thông viên cho chi bộ Đảng năm 1930 -1931 đã hy sinh cho tổ quốc trong đấu tranh cách mạng.
5. Ông Doãn Giá:
Đời thứ 7 sinh năm 1885
Ngày 8/2/1931 ông Doãn Giá cùng các ông Doãn Văn, Doãn Trương, Doãn Lương thành lập chi bộ Đảng cộng sản Đông Dương tại nhà thờ họ Doãn xóm Giáp Ngói, xã Long Thành, huyện Yên Thành, tỉnh Nghệ An.
Trong Đảng ông Doãn Giá được phân công làm liên lạc chạy giấy, liên hệ với chi bộ khác và cấp trên.
Ông Doãn Giá được chi bộ phân công treo cờ đỏ búa liềm lên cây đa đền Thổ Ngọa. Ông cũng là người cầm cờ đi đầu lãnh đạo nhân dân sang huyện lỵ biểu tình. Bị đàn áp – chi bộ bị lộ, Bát Khánh lý trưởng làng cả Phú Thọ cho quân mai phục đánh phá chi bộ và bắt các đảng viên Doãn Giá, Doãn Trương, Doãn Lương giam tại huyện đường đánh đập tra tấn giả man.
Ông Doãn Giá và ông Doãn Lương trốn tù. Sau Xô Viết Nghệ An 1931 ông được cấp trên rút lên xứ Dừa Anh Sơn để hoạt động.
1935 trở lại quê hương. Tiếp tục các hoạt động cách mạng, lãnh đạo cướp chính quyền chủ nhiệm Việt Minh vùng và nhiều hoạt động trong kháng chiến chống Pháp (1945 -1954) cho đến khi mất vào ngày 1/5/1967 tức 24/4/Đinh Mùi, thọ 82 tuổi.
Ngày 19/11/2014 tại quyết định số 5742/QĐ-TW, Tỉnh ủy Nghệ An công nhận ông Doãn Giá là “Lão thành cách mạng” “Cán bộ tiền khởi nghĩa” “Chủ nhiệm Việt Minh vùng” hoạt động cách mạng vào các thời kỳ 1930-1931, 1936 và trước tháng 8/1945.
8/2008/UBND tặng bằng khen cho ông Doãn Giá về thành tích trong kháng chiến chống Pháp.
6. Ông Doãn Lương (1900-1964)
Đời thứ 7, ngành trưởng là trưởng tộc họ Doãn đến 1964.
Ngày 8/2/1931 ông Doãn Lương cùng các ông Doãn Văn, Doãn Trương, Doãn Giá bí mật thành lập chi bộ Đảng cộng sản Đông Dương tại nhà thờ họ Doãn.
Trong chi bộ Đảng ông Doãn Lương phụ trách việc xây dựng đoàn thể và vận động quần chúng tìm địa điểm họp cho Đảng.
Sau 1931 ông Doãn Lương được rút lên xứ Dừa Anh Sơn hoạt động.
Năm 1934 ông trở về quê hoạt động trở lại.
Năm 1945 ông Doãn Lương tham gia ủy ban khởi nghĩa và cướp chính quyền ở xã Văn Hóa.
Ông là đảng viên tích cực trong hoạt động kháng chiến chống Pháp 1945 -1954. Năm 1951 Đảng lao động Việt Nam ra đời. Ông Doãn Lương và ông Doãn Giá là 2 người lập lại chi bộ và phát triển chi bộ tại địa phương.
Ông Doãn Lương là một đảng viên luôn giữ vững khí tiết và phẩm chất cộng sản.
Cuộc kháng chiến trường kỳ 9 năm 1945 -1954
Cuộc kháng chiến trường kỳ 9 năm bắt đầu. Đêm đêm tại nhà thờ họ Doãn lại vang lên tiếng hát như những khúc quân hành.
“Từng đoàn người về đây bao tươi trai.
Tuốt gươm thề cùng nhau xây tương lai
Ra chiến trường diệt thù say chiến trường diệt thù. Mơ một ngày khải hoàn reo vinh quang”.
Những đêm lửa trại các cô thôn nữ đứng thành hàng và hát “Giờ tổng phản công dục người trai mau mau lên đường đi chiến đấu. Rời quê hương lòng sầu không vương. Cầm khăn gói lời thề muốn nói. Bao người traii ra đi giết thù. Cả cuộc đời dâng cho đất nước”.
Chẳng biết tác giả những bài hát đó là ai. Như những khúc quân hành, hiên ngang, dóng dả, nhưng vô cùng lãng mạn.
Trong khi các xóm liền kề thời đó trai gái chỉ biết say sưa với biềng bãi, tôm cá thì các trai làng họ Doãn ra đi dấn thân vào khói lửa của cuộc kháng chiến 9 năm với cát bụi trường chinh vạn dặm.
7. Bác Doãn Tố đời thứ 8 sinh năm 1925 tham gia vệ quốc quân 1947.
Bác Doãn Tố hy sinh tại chiến trường Thượng Lào vào chiến cuộc đông xuân 1951 -1952. Sự hy sinh của Bác Tố tô thắm thên tình hữu nghị Việt- Lào. Tại Long Thành Bác Tố là người duy nhất của họ Doãn ngã xuống ở chiến hào trên đất Lão viễn xứ.
Nhớ lại năm 1952 lần đầu tiên tại Giáp Ngói người ta tổ chức truy điệu liệt sỹ Doãn Tố. Hôm đó đình làng lập bàn thờ, đắp mộ giả, lợp cỏ tươi. Ban đêm dân làng tập trung đông đủ. Không ai cầm được nước mắt khi các cô thôn nữ vừa khóc vừa nấc lên thành lời bài hát “Chiêu hồn tử sỹ” “Đêm khuya âm u. Ai khóc than trong gió đạn…”
Tiếng hát được đệm bằng sáo trúc. Nghe mà xót xa, não lòng.
Sự hy sinh và lễ truy điệu Bác Tố như tăng thêm lòng yêu nước. Dục giã thanh niên Giáp Ngói bước nhanh hơn vào cuộc kháng chiến 9 năm.
Đó là những kỷ niệm cuối cùng của người chiến binh quốc tế Doãn Tố. Có lẽ bây giờ hài cốt Bác vẫn ở bên Lào. Linh hồn Bác đã trở thành phúc thần cho vùng dân viễn xứ.
Vì khi ra đi bước vào cát bụi trường chinh của cuộc kháng chiến và hy sinh Bác chưa vợ con gì.
8. Bác Doãn Mỳ: Đời thứ 8 sinh 1922. Tham gia vệ quốc quân 1947. Không biết họ Doãn Việt Nam còn có ai nữa không. Chứ trong năm vệ quốc quân họ Doãn Giáp Ngói, duy nhất có Bác Doãn Mỳ tham gia đánh trận Điện Biên Phủ 1954. Khi hòa bình quân hàm trung úy chuyển ngành. Năm 1956 Bác đưa gia đình ra Điện Biên xây dựng kinh tế. Đến nay đã có 5 thế hệ gốc họ Doãn Giáp Ngói tại Thành phố Điện Biên Phủ.
Bác Doãn Mỳ cha, Doãn Nguyệt con cùng hành quân trên những nẻo đường biên cương giữ nước.
9. Bác Doãn Nghi đời thứ 8 sinh năm 1923:
Đi vệ quốc quân từ năm 1948. Rong ruổi nẻo đường vạn dặm cuộc trường chinh vệ quốc vĩ đại của dân tộc đánh Pháp, đánh Mỹ.
Bác kể lại “Bác là bộ đội thông tin, chết cũng lắm. Nhờ cụ tổ Doãn Chấp và tổ tiên phù hộ Bác sống sót. Về hưu tại Đồng Thành.
Muôn nẻo đường trường chinh cát bụi. Quân hàm thượng úy về hưu. Nhưng luôn vui vẻ, không than phiền gì. Gia đình Bác Doãn Nghi là gia đình có 2 thế hệ “Cha và con” cùng chung chiến hào đánh Mỹ. Doãn Nghi cha, Doãn Tá con đúng như câu thơ:
“Lớp cha trước, lớp con sau
Đã thành đồng chí chung câu quân hành”
10. Bác Doãn Chưu đời thứ 7.
Đi vệ quốc quân 1948. Kết thúc 9 năm kháng chiến. Trở về địa phương xây dựng quê hương. Làm chủ nhiệm hợp tác xã, cán bộ xã và mất vì tuổi già. Bác Chưu là một đảng viên hết sức trong sáng và mẫu mực.
11. Ông Doãn Hùng đời thứ 7.
Đi bộ đội khoảng 1952 -1953. Đến năm 1994 được công nhận liệt sỹ.
12. Ông Doãn Thái Hòe đời thứ 8
Sinh năm 1934 là người đầu tiên vào những năm 50 mở lớp dạy quốc ngữ vở lòng tại nhà mình cho con cháu trong vùng.
Cuối 1952 khi các đơn vị thanh niên xung phong được hình thành. Ông Doãn Thái Hòe là người mở đầu sự nghiệp TNXP của họ Doãn. Tham gia mở đường vùng Tây Bắc phục vụ chiến cuộc Đông Xuân 1953 -1954. Năm 1956 ông được giải ngũ về quê. Ông là người đi nhiều đợt dân công. Tham gia mở đường Hồ Chí Minh, phục vụ chiến dịch đường 9 Nam Lào và Quảng Trị 1972.
Cuộc chiến tranh vệ quốc vĩ đại chống Mỹ cứu nước 1954 -1975
Ngày 5/8/1964 cuộc chiến tranh phá hoại miền Bắc. Cả nước là chiến tranh, cả nước là trận địa. Tất cả cho tiền tuyến. Cả dân tộc lao vào cuộc chiến tranh vệ quốc vĩ đại chống Mỹ cứu nước.
“Không có gì quý hơn độc lập tự do” làm cho miền Bắc Việt Nam hừng hực khí thế ra trận.
Tay cày, tay súng, tay búa, tay súng. Ba sẵn sàng, ba đảm đang. Cuộc đời đẹp nhất là trên trận tuyến đánh quân thù.
Từ Đinh, Lê, Lý, Trần, thì đây là cuộc động binh lớn nhất, vĩ đại nhất, ác liệt nhất, rực rỡ nhất, huy hoàng nhất. Trong đoàn quân trùng điệp ra trận đó lớp lớp con cháu họ Doãn.
13. Bác Doãn Mai đời thứ 8.
Tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ vào những ngày cuối cùng. Sau đó thuộc lớp nghĩa vụ quân sự đầu tiên. Bước vào cuộc chiến tranh chống Mỹ và hy sinh.
Liệt sỹ Doãn Mai yên nghĩ tại nghĩa trang liệt sỹ Yên Thành.
14. Bác Doãn Thạch đời thứ 9 sinh năm 1949
Trong một gia đình có truyền thống cách mạng. Trong gia phả 1926 bản chữ Hán cụ Doãn Văn viết “Từ tằng tổ phụ đến nay đã một lần gác bút ra chiến trường, lập công giữ nước. Tổ tông mở đầu và bồi đắp cho chúng ta con cháu kế thừa”.
Sự minh đoán trên không ngờ chỉ đúng với tổ tiên mà còn xẩy ra vào hậu thế.
Ở đời thứ 3 cụ mãnh tổ Doãn Chấp đang là nho sinh thì gác bút ra chiến trường đi theo Nguyễn Huệ - Quang Trung.
Đến đời thứ 7 cụ Doãn Văn đang là thầy dạy học chữ nho thì đóng cửa lớp. Bỏ lại sự nghiệp dở dang đi làm cộng sản và trở thành liệt sỹ trong phong trào Xô Viết Nghệ An 1930 -1931.
Sau Bảo Đại nguyên niên 46 năm, người trai Giáp Ngói Doãn Thạch năm 1966 mới 17 tuổi chưa đủ tuổi công dân, đã viết huyết thư “Xếp lại sự nghiệp học hành cấp 3, tình nguyện lên đường ra trận và hy sinh trong nam”.
Liệt sỹ Doãn Thạch ngày nay được đưa về và yên nghĩ tại nghĩa trang liệt sỹ Yên Thành.
15. Doãn Hoành đời thứ 9 sinh năm 1934
Thuộc lớp thanh niên đi nghĩa vụ quân sự đầu tiên. Sau đó bước vào cuộc chiến tranh giữ nước vĩ đại. Ông Doãn Hoành là lính pháo binh, tham gia chiến trận từ một người lính lên chỉ huy đơn vị pháo cao xạ, đánh nhau với máy bay Mỹ từ Quảng Bình, Cầu Nghèn, Hà Tĩnh, Nghệ An.
Ông Doãn Hoành là cán bộ quân sự cao cấp đầu tiên của họ Doãn. Quân hàm thượng tá huyện đội trưởng Anh Sơn.
16. Bác Doãn Thuyết đời thứ 8 sinh năm 1947
17. Bác Doãn Tuất đời thứ 8 sinh năm 1949
Hai ông Doãn Thuyết, Doãn Tuất đi bộ đội cùng ngày, năm 1967. Khi cuộc chiến tranh giữ nước đang ở vào giai đoạn ác liệt nhất.
Sau chiến thắng, đều trở về xây dựng quê hương. Ngoài ra trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước họ Doãn có nhiều người tham gia vào lực lượng vũ trang.
Đó là chưa kể đến số người đi dân công hỏa tuyến đóng góp nhiều ngày công cho mặt trận.
Đến nay họ Doãn có nhiều người được thưởng huân chương, huy chương.
Kết thúc cuộc chiến trang vệ quốc vĩ đại vào năm 1975, suy ngẫm và làm một bài toán thống kê. Có lẽ nhiều nơi có nhất là vùng Vinh, Thanh Chương, Hưng Nguyên, Nam Đàn và Yên Thành này cũng vậy.
Riêng ở Long Thành thì trong bài toán thống kê đó, xác suất bắt gặp rất nhỏ nhưng rất huy hoàng, rực rỡ.
Họ Doãn không lớn, ít rùm beng trống kẻng, nhưng là họ duy nhất tại vùng này có 4 thế hệ liệt sỹ hy sinh vì tổ quốc.
Xa xưa thời Nguyễn Huệ - Quang Trung có các cụ tổ Doãn Dĩ, Doãn Não, Doãn Chấp mạc trận vong. Trong đó cụ Doãn Chấp được Hoàng đế Quang Trung sắc phong “Phụ quốc trí dũng hùng anh. Kiểm sát đại thần”
Thời hiện đại trong phong trào xô Viết Nghệ An (1930 -1931) có 2 liệt sỹ: Doãn Văn, Doãn Trương.
Kháng chiến chống Pháp (1945 -1954) có Doãn Tố, Doãn Hùng. Chiến tranh vệ quốc chống Mỹ (1954 -1975) có Doãn Mai, Doãn Thạch.
Sau năm 1975
Bước theo truyền thống cha ông để lại, ngày nay con cháu họ Doãn đang có những đóng góp to lớn vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ tổ quốc.
18. Ông Doãn Ngọc Sơn đời thứ 9 sinh năm 1959.
Từ một người lính ông Doãn Ngọc Sơn đã kinh qua nhiều công tác và chức vụ trong quân đội. Ngày 16/10/2014 Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã ký phong quân hàm thiếu tướng quân đội NDVN cho ông Doãn Ngọc Sơn. Hiện đang công tác tại quân khu 4. Ông Doãn Ngọc Sơn không chỉ là người có huân tước cao nhất của họ Doãn Giáp Ngói mà còn là tướng quân sự đầu tiên của huyện Yên Thành sau 70 năm thành lập quân đội nhân dân Việt Nam.
Khi chú Sơn được phong quân hàm cấp tướng họ Doãn Giáp Ngói tổ chức lễ mừng tặng bức trướng 8 chữ hán
Thọ danh hàm tước
Vinh hiển lưỡng toàn
19. Ông Doãn Anh Tụ đời thứ 8 sinh năm 1950
Đảng viên Đảng cộng sản Việt nam, 42 năm công tác trong ngành công an, Cục phó cục bảo vệ, về hưu với quân hàm đại tá.
Từ chính thể dân chủ cộng hòa họ Doãn có nhiều người tham gia chính quyền từ cấp xã trở lên.
20. Ông Doãn Tuyền đời thứ 8 sinh năm 1930 đảng viên Đảng cộng sản Việt Nam. Ông Tuyền là chủ tịch UBHC xã Long Thành vào đầu những năm 60 của thế kỷ trước. Được điều lên làm cán bộ ty lương thực Nghệ An giai đoạn chiến tranh chống Mỹ. Cửa hàng trưởng cửa hàng thực phẩm Yên Thành về hưu.
21. Ông Doãn Chuyển (1925 -2015) đảng viên Đảng cộng sản Việt Nam. Hoạt động và giữ nhiều chức vụ như bí thư Đảng ủy xã, Chủ tịch UBMTTQ xã.
22. Ông Doãn Ngọc Hà đời thứ 9 sinh năm 1962.
Rời quân ngũ về địa phương giữ chức bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Long Thành.
- Cấp huyện có ông Doãn Nậm, Doãn Thìn
- Cấp tỉnh có ông Doãn Trí Tuệ
- Quốc hội có ông Doãn Ngọc Viên
Tại nhà thờ lớn họ Doãn còn lưu giữ từ xa xưa đến nay đôi câu đối:
- Trung ư quốc, hiếu ư dân, kế thế quang vinh hoàn tổ nghiệp (Trung ở nước, hiếu ở dân, các thế hệ nối nhau làm hoàn thành quang vinh sự nghiệp tổ tông).
- Chí như sơn, tâm như kính, vĩnh truyền đức hậu cựu gia phong (ý chí vững như núi, tâm sáng như gương mãi mãi lưu truyền cho đời sau đạo đức và nền nếp gia phong).
12 đời con cháu họ Doãn đã xứng đáng, đang xứng đáng và sẽ xứng đáng với câu đối như một lời nguyền các bậc tổ tiên răn đay.
Khoa bảng
Hiếu học là một truyền thống quý báu của họ Doãn. Tại nhà thờ lớn của họ còn có bức đại tự “Hàn mặc sinh huy” nghĩa là “Bút mực phát sáng”. Con cháu họ Doãn không những làm kinh tế giỏi mà còn học giỏi. Noi gương đức tổ Doãn Ngôn đậu hương cống vào năm Mậu Ngọ 1738 đời vua Lê Ý Tông. Niên hiệu Vĩnh Hựu năm thứ 4. Các cụ tổ Doãn Phu, Doãn Văn đỗ tam trưởng.
Con cháu các đời sau luôn chú ý theo nghiệp đèn sách.
Từ chính thể dân chủ cộng hòa năm 1966 họ có 01 tú tài đầu tiên. Năm 1970 có một cử nhân đầu tiên. Ngày nay trong họ trai gái, dâu rể có rất nhiều người tốt nghiệp đại học. Có gia đình cha mẹ, con cái đều tốt nghiệp đại học. Có 07 cử nhân, 4 thạc sỹ, 2 tiến sỹ. Nhiều gia đình tuy kinh tế nông nghiệp nhưng con cái đều tốt nghiệp đại học. Trong tương lai nhất định khoa bảng của họ Doãn Giáp Ngói sẽ phát triển rực rỡ theo sự phát triển của nền giáo dục nước nhà.
Tại nhà thờ lớn của họ Doãn còn rực lên bức đại tự “Văn võ lưỡng toàn” với đôi câu đối “Võ lập công huân vinh tổ phụ
Văn tòng khoa giáp hiển nhi tôn”
Đã nói lên rằng họ Doãn Giáp Ngói là dòng họ xứng đáng và thỏa mãn ước vọng là dòng họ văn võ song toàn. Nếu không nói là dòng họ duy nhất của vùng này.
Đây là điểm sáng rực rỡ khi nghiên cứu về một dòng họ chỉ mới hơn 300 năm tuổi. Kể từ năm 1710 khi đức tổ Doãn Ngôn có mặt ở đất Nghệ An.
Gia phả
Hiện nhà thờ lớn họ Doãn Giáp Ngói còn lưu giữ 2 cổ phả Hán – Nôm và một gia phả song ngữ Nôm – quốc ngữ.
Bản gia phả song ngữ 1982 – Mùa thu năm Nhâm Tuất. Niên hiệu cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Của các ông Doãn Tiếp, Doãn Giá, Doãn Khả, Doãn Hiền.
Y sao phần chứ Hán – Nôm. Bổ sung các đời sau và dịch sang quốc ngữ.
Bản cổ phả Hán – Nôm cũ nhất do cụ tổ đời thứ 4 Doãn Phu cung soạn vào Thiệu Trị năm thứ 5 ngày 20 tháng 4 năm 1845. Bản gia phả này dặn lại con cháu “Con người sinh ra là ở tổ”, “Có họ phải có phổ”.
Bản cổ phả Hán – Nôm do thứ đường cháu đời thứ 7 Doãn Văn cung soạn vào Bảo đại mùa xuân năm đầu nguyên đán tháng giêng. Trong lời tựa “Kính nghe” cụ Doãn Văn dặn lại hậu thế “Phải nhớ rằng tổ tiên đã vượt qua mọi gian khó chông gai để xây dựng nên một dòng họ có con cháu tốt đẹp thông minh. Xứng đáng là một lệnh tộc có tầm cao lớn ở Phú Giang, Ngọa Tháp.
Nhìn thấy các tiêu chí nổi trội các bậc tổ tiên để lại là những di sản vô cùng quý báu.
- Nhà thờ 3 tòa cổ kính, khắc chạm tinh xảo tọa lạc trên diện tích độc lập 808 m2, do các đời tộc trưởng để lại.
- Từ năm 1910 bảo quản khai thác và sử dụng 3 đạo sắc của các triều đại Nhà nước phong kiến, một huân chương kháng chiến chống Mỹ cứu nước (1954 – 1975).
- Hai bản gia phả Hán – Nôm và một gia phả song ngữ.
Từ năm 2013 HĐGT đã làm hồ sơ, tờ trình xin các cấp có thẩm quyền xét công nhận nhà thờ họ Doãn Giáp Ngói, xã Long Thành, Yên Thành, Nghệ An là di tích lịch sử và văn hóa Nhà nước cấp tỉnh.
Ngày 7/12/2016 UBND tỉnh Nghệ An đã ký quyết định cấp bằng xếp hạng nhà thờ họ Doãn là “Di tích lịch sử và kiến trúc nghệ thuật”.
Bằng xếp hạng “Di tích lịch sử và kiến trúc nghệ thuật” đã mang đến vinh quang cho nhà thờ lớn họ Doãn Giáp Ngói. Là sự vinh danh cho truyền thống tổ tiên dòng họ. Là niềm tự hào của con cháu.
Đồng thời chính nhà thờ họ Doãn với những giá trị tinh thần phi vật thể và vật thể rực rỡ cùng 12 đời con cháu họ Doãn đã làm rực rỡ hơn, huy hoàng hơn, giá trị hơn cho bằng xếp hạng.
Đây không chỉ là niềm tự hào mà còn là trách nhiệm to lớn của các thế hệ con cháu hiện đại và sau này.
Hãy phấn đấu không ngừng xứng đáng với di sản, với quê hương, xứng đáng với sự tin tưởng của UBND tỉnh Nghệ An.
Nếu nói “Những tri thức văn minh, những tầm cao trí tuệ và vật chất được cống hiến cho con người, hướng con cháu đến bản chất nhân văn: CHÂN – THIỆN – MỸ là những giá trị văn hiến. Thì chính các bậc tổ tiên và các thế hệ con cháu đã và đang làm cho họ Doãn Giáp Ngói, xã Long Thành, huyện Yên Thành, tỉnh Nghệ An là một dòng họ văn hiến “262 năm mở đất, dựng nghiệp, chiêu dân, lập giáp xây đời rạng ngời văn hóa huy hoàng lịch sử cùng thời đại và đất nước đi lên.
Thay lời kết
Trên đây chưa phải là tất cả chi tiết về lịch sử văn hóa thực tiễn của một dòng họ 306 năm tuổi. Kể từ năm 1710 khi đức tổ Doãn Ngôn có mặt ở đất Nghệ An chắc chắn còn nhiều điều thú vị, linh thiêng. Dẫu biết hậu sinh không dám và không nên xét chuyện tiền bối. Nhất là các bậc từ xa xưa nguyên thủy. Khi trình bày khó tránh khỏi chủ quan phiến diện.
Kính mong các bậc tổ tiên lưỡng thứ, đại xá cho sự sai sót mạo phạm.
Hãy để cho các bậc tổ tiên mãi mãi là tấm gương sáng soi vào hậu thế.
* Vinh quang đời đời thuộc về các bậc tổ tiên, các thế hệ con cháu họ Doãn Giáp Ngói, trai gái, dâu rể, nội ngoại.
“Trung ư quốc, hiếu ư dân, kế thế quang vinh hoàn tổ nghiệp”.
* Vinh quang đời đời thuộc về các bậc tổ tiên, các thế hệ con cháu dâu rể, nội ngoại của họ Doãn Giáp Ngói.
“Chí như sơn, tâm như kính, vĩnh truyền đức hậu cựu gia phong”
Xin chân thành cảm ơn!
Kính bút
Doãn Ngọc Chấn
Viết xong 15 giờ 40 phút ngày 08/01/2017
Tiết tiểu hàn – Bính Thân 2016